5 lưu ý khi lái xe qua đường ngập nước

Lái xe qua những đoạn đường ngập nước tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dễ khiến xe bị chết máy khi đi vào các khu vực ngập sâu. Thiếu kinh nghiệm trong tình huống này có thể dẫn đến rủi ro cao, khiến chi phí sửa chữa xe tăng lên đáng kể.

5-uu-y-khi-lai-xe-qua-duong-ngap-nuoc-1-1721796716.jpg

Cần lưu ý những gì khi lái xe qua đường ngập nước? Ảnh: LĐO

 

Đánh giá độ sâu vùng ngập nước

Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong các kỹ thuật lái xe qua đường ngập nước đó chính là đánh giá độ sâu của vùng ngập. Nếu không đánh giá độ sâu vùng ngập và cho xe đi thẳng vào vùng ngập, chẳng may gặp vùng nước sâu sẽ gây ra tình trạng thủy kích khiến xe bị chết máy giữa đường.

Mỗi dòng xe có thiết kế và kết cấu khác nhau từ đó khả năng lội nước cũng khác nhau. Khả năng lội nước của xe tùy thuộc vào vị trí của ống hút gió, vì nếu nó nằm ở vị trí cao hơn mặt nước thì sẽ khó tràn vào bên trong. Với những xe có ống hút gió thấp, nước dễ dàng tràn vào và làm động cơ ngừng hoạt động, khả năng lội nước thấp.

Trong trường hợp thấy đường ngập nước, an toàn nhất, tài xế không nên di chuyển qua mà hãy chọn lộ trình khác an toàn hơn nếu có thể. Nếu xe di chuyển vào đường ngập chết máy, hoặc bị ngập khi đang đỗ, tài xế không nên cố gắng đề nổ lại bởi sẽ dẫn tới thuỷ kích. Khi đó, chi phí sửa chữa cũng rất cao.

Giữ đều ga, không tăng/giảm tốc độ đột ngột

Để lái xe đường ngập mà không chết máy, tài xế nên giữ ga đều tay, chạy tốc độ trung bình, lưu ý là không chạy quá nhanh cũng không nên chạy quá chậm. Tuyệt đối không được tăng ga hay giảm ga đột ngột, nếu tăng giảm ga đột ngột nước sẽ dễ dàng tràn vào khoang máy thông qua lưới tản nhiệt hay tràn vào ống xả.

Tài xế lái xe trong điều kiện trời mưa đường ngập tuyệt đối giữ xe di chuyển với tốc độ trung bình không dừng lại giữa đường. Trong trường hợp bắt buộc phải dừng xe, thay vì giảm ga tài xế nên giữ đều ga kết hợp với đạp phanh. Việc đồng thời đạp phanh và đạp ga sẽ tránh tình huống xe chết máy giữa đường.

Tắt điều hòa

Tài xế nên tắt điều hòa khi quyết định cho xe chạy vào vùng ngập. Tắt điều hòa, quạt gió ở khoang máy sẽ dừng hoạt động hạn chế tình trạng hút nước đi sâu vào khoang máy. Tắt điều hòa còn giúp giảm tải cho động cơ, giúp xe tập trung toàn lực để vượt qua vùng ngập.

Có thể hạ kính để không khí lưu thông và để tránh trường hợp bị ngộp khi tắt điều hòa trong xe. Ngoài việc tắt điều hòa, tài xế nên tắt luôn các thiết bị điện không cần thiết lúc đi qua vùng ngập như màn hình DVD, loa...

Giữ khoảng cách với xe phía trước, càng xa càng tốt

Lái xe qua đường ngập thường sẽ không chủ động như trong điều kiện bình thường. Việc gặp phải tình huống bất ngờ là đều quá quen thuộc, vì vậy tài xế nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, càng xa càng tốt. Hạn chế tình huống phải phanh gấp hay dừng xe giữa vùng ngập.

Đi số thấp

Trong điều kiện trời mưa đường ngập, tài xế nên chuyển về số thấp để an toàn khi lái xe. Khi lái xe ở số thấp lực kéo sẽ cao, thông thường chúng ta nên chuyển về số 1 hoặc 2 với xe hộp số sàn và chuyển về D1 hoặc dùng lẫy chuyển về số tay 1 hoặc 2 đối với xe hộp số tự động.

Kinh nghiệm lái xe qua đường ngập nước

5-uu-y-khi-lai-xe-qua-duong-ngap-nuoc-2-1721796788.jpeg

Tài xế cần chăm sóc xe sau mỗi lần đi qua đường ngập nước để tránh mất tiền oan. Ảnh: LĐO

 

Chạy giữa tâm đường: Đối với hầu hết các loại đường, phần tâm sẽ được xây cao hơn phần rìa hai bên. Do đó khu vực tâm nước ngập cạn và nông hơn hai bên. Khi lái xe qua đường ngập nặng tài xế nên lưu ý và ưu tiên cho xe đi vào giữa tâm đường nhưng vẫn đảm bảo đúng làn đường để đảm bảo an toàn.

Lái xe cạnh xe lớn trong điều kiện bình thường vốn đã nguy hiểm, trong điều kiện mưa bão nên tuyệt đối hạn chế chạy cạnh xe lớn, chạy gần xe ngược chiều nhất là xe buýt, xe tải, xe container. Khi tài xế đi gần các xe này nước sẽ văng sang hai bên dễ tràn vào khoang máy và làm hỏng hóc xe.

Không tắt động cơ khi xe mới đi qua vùng ngập: Tài xế nên giữ ga đều khi điều khiển xe qua vùng ngập và đặc biệt là không tắt động cơ sau khi thoát khỏi vùng ngập, nổ máy và di chuyển 10 - 15 phút để nước đã lọt vào khoang máy nhanh chóng bốc hơi ra ngoài.

Kiểm tra và bảo dưỡng xe sau khi lội nước càng sớm càng tốt. Nước bẩn trên đường ngập dễ gây hại đến sơn xe và gầm xe, vì vậy tài xế nên rửa xe để hạn chế các hỏng hóc bên ngoài. Và cần đi bảo dưỡng hệ thống cơ, hệ thống treo, hệ thống đèn điện để chắc chắn nước không lọt vào bên trong và không gây hại gì cho hệ thống vận hành cho xe. Trường hợp nếu có hư hại thì việc kiểm tra và sửa chữa sớm sẽ giúp cho việc khắc phục hỏng hóc nhanh và dễ dàng hơn.