Biển Đông có thể đón bão trong những ngày tới

Vùng biển ngoài khơi của Philippines vừa hình thành một áp thấp nhiệt đới, dự báo có thể mạnh lên thành bão và di chuyển vào Biển Đông trong những ngày tới, trở thành cơn bão số 3 trong mùa bão năm nay.

Vào 17h chiều nay (1/9), tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Samar miền Trung Philippines khoảng 80km về phía Bắc với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong đêm mùng 1 và ngày 2/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc, có khả năng mạnh lên thành bão với tên quốc tế là Yagi.

Theo nhận định của các chuyên gia, hướng di chuyển của cơn bão này sẽ rất phức tạp, phụ thuộc vào hoạt động của áp cao lục địa từ Trung Quốc.

Một kịch bản có thể xảy ra là bão di chuyển lên khu vực Hồng Kông rồi tiến vào tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Một kịch bản khác, bão có thể tiến về phía đảo Hải Nam của Trung Quốc rồi đi vào vịnh Bắc Bộ của nước ta. Kịch bản này xảy ra khi áp cao lục địa hoạt động mạnh.

Dù các nhận định về hướng di chuyển của bão còn phân tán nhưng nhiều đài khí tượng thế giới cho rằng, đây có thể là cơn bão rất mạnh trong năm nay, do gặp nhiều điều kiện thuận lợi như mặt biển ấm, cộng hưởng với vùng xoáy thấp ở khu vực Trường Sa của Việt Nam.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng như các đài khí tượng thế giới đang theo sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ rất phức tạp và khó lường này.

bien-dong-co-the-don-bao-trong-nhung-ngay-toi-anh1-1725198825.jpg
 

Trước đó trong tháng 8, trên Biển Đông không ghi nhận hoạt động của bão hay áp thấp nhiệt đới. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Trong suốt 61 năm qua chỉ ghi nhận 6 lần, Biển Đông không có bão/áp thấp nhiệt đới vào tháng 8, gồm các năm 1980, 1985, 1988, 2011, 2015 và năm nay là lần thứ 6.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, đây là điều khá bất thường trong bối cảnh chuyển pha từ El Nino sang La Nina, nhất là khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương những tháng qua gánh chịu bão dồn dập.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024 diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục có những biến động, khó lường.

Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao là hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024 với xác suất 60-70%. Sau đó duy trì trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 với xác suất trong khoảng 70-80%.

Với kịch bản xuất hiện của La Nina, theo ông Khiêm, khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, số lượng cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông có thể xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (6-7 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 3 - 4 cơn) và tập trung nhiều ở Trung Bộ cũng như các tỉnh phía Nam.

Mưa lớn dự báo tập trung chính vào tháng 10-11/2024 ở các tỉnh miền Trung. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ năm nay cũng có thể kết thúc muộn hơn bình thường. Ở Tây nguyên và Nam Bộ vào khoảng nửa cuối tháng 11, ở Trung Bộ vào khoảng nửa cuối tháng 12.