Bộ Giáo dục sẽ kiểm tra việc tuyển sinh của Trường Giao thông vận tải TPHCM

Sau khi Báo Dân trí phản ánh cách tuyển sinh "lạ lùng" năm 2023 của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết sẽ kiểm tra.
Bộ Giáo dục sẽ kiểm tra việc tuyển sinh của Trường Giao thông vận tải TPHCM - 1

Ngày 15/4, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM mới công bố một vài thông tin tuyển sinh (không phải đề án chi tiết hay quy chế tuyển sinh của trường) nhưng đã ngay lập tức nhận hồ sơ xét tuyển trong ngày mà không đợi đúng 30 ngày như quy chế (Ảnh chụp màn hình).

Không công bố đề án, quy chế riêng là vi phạm quy chế

Việc tuyển sinh sớm của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM năm 2023 đang gây xôn xao dư luận khi có phương thức tuyển sinh "lạ lùng".

Cụ thể, đơn vị này công bố có 2 đợt tuyển sinh sớm. Đợt 1, từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/5; đợt 2 từ ngày 3/6 đến hết ngày 20/6. Thông thường, kết thúc đợt xét tuyển, dựa trên số hồ sơ, điểm, nguyện vọng của thí sinh đăng ký, các trường mới xét tuyển và công bố kết quả.

Tuy nhiên, với Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ trên hệ thống của trường đều nhận được kết quả trúng tuyển (có điều kiện) ngay sau đó.

Điều này khiến không ít người hoang mang bởi không hiểu trường công bố trúng tuyển theo tiêu chí nào, điểm chuẩn cụ thể ra sao.

"Thí sinh lo lắng khi đang có quá nhiều hồ sơ nộp vào với mức điểm rất thấp so với năm 2022 nhưng đã được công bố trúng tuyển. Trong khi, trường chưa công bố đề án tuyển sinh chi tiết nên không biết chỉ tiêu tuyển sinh như thế nào, đội ngũ giảng viên ra sao. Em lo sợ được công bố trúng tuyển rồi nhưng sau đó bị "lố" chỉ tiêu mà phải xét lại, chuyển hướng hoặc đào tạo "quá sức" sẽ ảnh hưởng chất lượng", thí sinh M.V. (TPHCM) chia sẻ.

Ghi nhận của PV Dân trí đến 29/5, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM chưa công bố đề án tuyển sinh chi tiết trên website tuyển sinh. Đồng thời, người truy cập cũng chưa tìm thấy nội dung nhà trường công bố quy chế tuyển sinh riêng theo quy định tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT.

Bộ Giáo dục sẽ kiểm tra việc tuyển sinh của Trường Giao thông vận tải TPHCM - 2

Trường công bố một số thông tin tuyển sinh cùng ngày với nhận hồ sơ xét tuyển (ngày 15/4/2023) là sai quy chế (Ảnh chụp màn hình).

Theo Vụ Giáo dục Đại học, khoản 3 Điều 11 Quy chế tuyển sinh quy định: "Cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh kèm theo công bố đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và qua các hình thức thích hợp khác trước khi mở đăng ký dự tuyển của đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày; trường hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trước ít nhất 15 ngày".

Ngoài ra, khoản 2 Điều 26 quy định về trách nhiệm của cơ sở đào tạo: "Tổ chức tuyển sinh theo đề án và quy chế tuyển sinh đã ban hành, tuân thủ các quy định của quy chế này và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện trách nhiệm giải trình với Bộ GD&ĐT, các cơ quan có thẩm quyền và xã hội về toàn bộ công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo".

"Nếu một cơ sở đào tạo tiến hành tuyển sinh mà chưa công bố đề án tuyển sinh là vi phạm quy chế. Về trường hợp cụ thể của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, Vụ Giáo dục Đại học sẽ kiểm tra thông tin phản ánh", đại diện Vụ cho hay.

Cần đảm bảo nghiêm túc, công bằng, minh bạch trong xét tuyển

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định của cơ sở đào tạo sẽ có cùng điều kiện trúng tuyển (đối với một ngành, chương trình đào tạo).

Về vấn đề hậu kiểm hồ sơ, Vụ Giáo dục Đại học cho rằng một số thí sinh thiếu trung thực trong đăng ký xét tuyển sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của trường và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh. Sau khi thí sinh nhập học, trường sẽ hậu kiểm, thí sinh sẽ bị hủy bỏ kết quả xét tuyển.

Bộ Giáo dục sẽ kiểm tra việc tuyển sinh của Trường Giao thông vận tải TPHCM - 3

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển và chỉ vài tiếng sau có kết quả trúng tuyển dù hồ sơ nộp nhầm sang tên người khác (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ về việc nộp hồ sơ là trúng tuyển ngay, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) - nhận định trong bối cảnh cạnh tranh nguồn tuyển sinh như hiện nay, có thể nhà trường đang sợ "trâu chậm uống nước đục" nên tranh thủ "vơ vét" thí sinh mà không qua xét duyệt cẩn thận.

Ông Vinh cho rằng các trường đại học được tự chủ nhưng phải tuân thủ quy chế và đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi, không thể để việc nộp hồ sơ như thế nào cũng trúng tuyển bởi khi điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác.

Hiện nay, phần lớn các trường xét học bạ yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến. Sau khi kết thúc thời hạn đăng ký, dựa trên mức điểm và nguyện vọng của thí sinh, trường mới xét kết quả trúng tuyển.

"Có thể do sợ mất thị phần tuyển sinh nên tạo ra sự lộn xộn như vậy. Nếu trường nào cũng làm thế thì sẽ gây nhiễu loạn, mất đi sự nghiêm túc trong xét tuyển đại học", ông Vinh chia sẻ