‘Bức họa Dorian Gray’ có còn xa lạ với độc giả Việt?

Admin
Tôi biết đến “Bức họa Dorian Gray” (tựa tiếng Anh: “The picture of Dorian Gray”) của Oscar Wilde vào năm 2011, khi phong trào đăng quote của danh nhân rất phổ biến trên mạng xã hội.

Tôi tìm đọc “The picture of Dorian Gray” qua bản tiếng Anh, và đó thực sự là một cuộc vật lộn để hiểu điều Oscar Wilde muốn nói. Sau cuộc vật lộn, tôi mỉm cười thỏa mãn vì nhận ra rằng vẫn còn có một tác phẩm kỳ dị đến thế mà mình chưa từng biết đến.

Tìm đọc bản dịch tiếng Việt của cuốn sách đặc biệt này vào thời điểm đó thực sự là một điều khó khăn. Không phải khó khăn bởi khó kiếm, mà bởi không bằng cách nào tôi có thể được đọc bản đầy đủ. Các bản dịch năm 1990 ( Lê Thanh Hương và Nguyễn Như Nguyện dịch), 2004 (Bảo Anh lược dịch), 2008 (Nguyễn Thơ Sinh dịch) đều không được hoàn chỉnh, hoặc do lược dịch, hoặc do thiếu hẳn một đoạn nội dung.

Các bản này đều thống nhất một tên gọi “Bức chân dung của Dorian Gray”. Một câu hỏi mà tôi không thể không đặt ra, đó là: Tại sao cuốn tiểu thuyết duy nhất của một nhà văn lớn như Oscar Wilde lại không được dịch một cách nghiêm túc và được nghiên cứu cho đúng với tầm cỡ của ông? Chỉ đến tháng 10 năm 2018, bản dịch của dịch giả trẻ tuổi Nguyễn Tuấn Linh với tên tiếng Việt “Bức họa Dorian Gray” ra mắt, tôi mới thực sự được đọc một bản Việt ngữ đầy đủ.

buc-hoa-dorian-gray-co-con-xa-la-voi-doc-gia-viet
Tác phẩm “Bức họa Dorian Gray” do Nguyễn Tuấn Linh dịch, xuất bản năm 2018, thuộc Tủ sách Book Hunter.

Oscar Wilde và “Bức họa Dorian Gray” tại sao lại quan trọng?

Oscar Wilde (1854-1900) là nhà văn vĩ đại người Ireland có một tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông được biết đến như một nhà phát ngôn cho xu hướng duy mỹ trong nghệ thuật. Ông thể hiện sự duy mỹ của mình trong mọi góc độ của cuộc sống và tác phẩm. Không chỉ trong bài giảng, tiểu luận, sáng tác văn chương đều bàn về cái đẹp và sử dụng một thứ tiếng Anh lịch lãm, ông còn rất chú trọng đến ngoại hình của bản thân tới từng chi tiết. Một nhà văn duy mỹ đến vậy quả nhiên rất hiếm có trong nền văn chương thế giới.

“Bức họa Dorian Gray” là tiểu thuyết duy nhất của ông, và là nơi ông gửi gắm những tư tưởng, thủ pháp nghệ thuật, niềm đam mê của mình qua mỗi nhân vật, từng câu văn. Cuốn tiểu thuyết chính là tuyên ngôn khẳng định chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật của Wilde và phản ứng mạnh mẽ của ông chống lại những lời chỉ trích của người đương thời.

Lần đầu ra mắt, mặc dù cuốn sách bị bớt đi 500 từ theo yêu cầu của nhà xuất bản, nhưng tác phẩm vẫn bị quy là suy đồi và vô đạo đức. Trong lần xuất bản sau, Wilde viết thêm bảy chương nữa, cùng bản tuyên ngôn nghệ thuật kinh điển của ông: “Thảy nghệ thuật đều tuyệt đối vô dụng.”

Trong suốt cuốn tiểu thuyết, Oscar Wilde nhiều lần nhắc đến sứ mệnh của nghệ sĩ là tạo ra cái đẹp và cái đẹp vượt ra ngoài mọi định kiến của xã hội. Câu tuyên bố của ông khiến nhiều độc giả thắc mắc, và trong một bức thư giải đáp cho độc giả về câu nói này, ông đã viết: “Một nghệ phẩm là vô dụng cũng như một đoá hoa là vô dụng. Đoá hoa nở vì niềm vui chính nó. Ta nhận được khoảnh khắc vui vẻ trong sự ngắm nhìn. Đó là thảy những gì có thể nói về mối tương giao của ta với hoa. Hiển nhiên người đời có thể bán chác hoa, và khiến nó hữu dụng với họ, nhưng việc này chẳng can hệ gì đến hoa. Điều đó không thuộc bản chất của nó. Điều đó không được mong đợi. Điều đó là dùng sai cách” (bản dịch Nguyễn Tuấn Linh).

Tư tưởng này của ông không chỉ tương đồng với các tác giả nghệ thuật vị nghệ thuật mà còn rất thống nhất với các nhà tâm linh lớn của thế kỷ 20 như Osho hay Krishnamurti khi họ bàn về vẻ đẹp tự thân của tinh thần. Oscar Wilde đích thực là một trong số các tác giả quan trọng nhất của trào lưu lãng mạn và chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật.

buc-hoa-dorian-gray-co-con-xa-la-voi-doc-gia-viet
Nhà văn vĩ đại người Ireland Oscar Wilde (1854-1900).

Tuy nhiên, điều kỳ tình của Oscar Wilde, đó là ông có thể biến bản tuyên ngôn nghệ thuật của mình thành một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Dù cho giới phê bình đương thời có chỉ trích ông tới đâu thì cuốn sách cũng được yêu thích trên toàn thế giới. Tính đến nay đã có 25 bộ phim, hoạt hình, manga được chuyển thể hoặc gợi hứng từ tiểu thuyết “Bức họa Dorian Gray”. Cuốn sách luôn được nằm trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Hơn thế nữa, “Bức họa Dorian Gray” được đưa vào chương trình phổ thông tại Anh, Mỹ từ khối lớp 9 đến lớp 12, đủ cho thấy tác phẩm từ rất lâu đã được xếp vào hàng kinh điển. Thiết nghĩ, một cuốn sách tưởng như rất khó đọc với nhiều ẩn ngữ; với vốn kiến thức về triết học, mỹ học, lịch sử nghệ thuật… dầy đặc như “Bức họa Dorian Gray” lại có độ ảnh hưởng lớn tới đại chúng phương Tây đến vậy, quả thực là hi hữu.

Tại sao độc giả Việt ít biết về “Bức họa Dorian Gray”

Không chỉ “Bức họa Dorian Gray”, Oscar Wilde cũng không được nhiều độc giả Việt biết đến. Khi tôi học môn văn học phương Tây trong trường đại học, tôi không được dậy về Oscar Wilde hay nhiều nhà văn, nhà thơ khác của phong trào lãng mạn Anh - Mỹ, mà chỉ được biết về lãng mạn kiểu Pháp (Rimbaud, Baudelaire, Verlaine)… và hiện thực kiểu Anh theo lối Charles Dickens. Có lẽ tôi không có cơ hội được biết, nhưng trong nỗ lực của tôi, tôi chưa tìm được một bài nghiên cứu hay một bài tiểu luận nào về Oscar Wilde cũng như “Bức họa Dorian Gray”.

Tôi đã làm thử một khảo sát trên Google Trend với 2 từ khóa “Dorian Gray” và “Oscar Wilde”. Kết quả cho biết, Việt Nam đứng gần cuối bảng trong bảng đánh giá mật độ tìm kiếm 2 từ khóa này.

buc-hoa-dorian-gray-co-con-xa-la-voi-doc-gia-viet
buc-hoa-dorian-gray-co-con-xa-la-voi-doc-gia-viet

Đây âu cũng là một điều dễ hiểu khi Oscar Wilde chưa được giới học thuật Việt Nam quan tâm một cách đúng mức. Hơn thế nữa, xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật dường như không được phổ biến tại Việt Nam, nơi mà chủ trương vị nhân sinh đã thấm đẫm trong căn cốt của nền văn học. Hơn nữa, các bản dịch thiếu hoàn chỉnh cũng khiến cho mối quan tâm của độc giả Việt dành cho tác phẩm này ít hơn.

Bản dịch “Bức họa Dorian Gray” của Nguyễn Tuấn Linh, một lần nữa, là nỗ lực giới thiệu con người và tư tưởng của Oscar Wilde với người đọc trong nước. Việc chuyển ngữ cuốn sách thức sự rất khó khăn bởi Oscar Wilde sáng tác bằng một lối tiếng Anh hàn lâm và thủ pháp chơi chữ rất thông minh, cùng với khối lượng kiến thức đồ sộ của một học giả uyên bác. Và đúng như Nguyễn Tuấn Linh đã chia sẻ về quá trình dịch của anh, việc chọn dịch “Bức họa Dorian Gray” quả thực là một cuộc “mạo hiểm”. Và cuộc mạo hiểm này đã mang đến cho chúng ta một bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới giờ, cùng với một văn phong đẹp đẽ mà ta hiếm khi gặp được ở một dịch giả trẻ tuổi.