Các đồng phạm đã giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng thế nào?

Vũ Hạnh
Ngoài đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố 4 bị can khác đã giúp sức tích cực cho bà Hằng trong các buổi livestream.

Ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng, 52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bị đề nghị truy tố về cùng tội danh với bà Hằng trong vụ án này còn có 4 bị can khác, gồm: Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, Giảng viên Trường Đại học Luật Tp.HCM; Nguyễn Thị Mai Nhi, 39 tuổi, trợ lý bà Hằng; Lê Thị Thu Hà, 30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam và Huỳnh Công Tân, 28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam.

Hồ sơ điều tra - Các đồng phạm đã giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng thế nào?

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân khi mới bị bắt.

Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 3/2021, bà Nguyễn Phương Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạngxã hội như Facebook, YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Các buổi phát trực tiếp được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.

Cơ quan điều tra xác định bà Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xúc phạm, xâm hại đến lợi ích của 9 cá nhân, trong đó có nhiều nghệ sĩ và cả nhà báo.

Các buổi livestream có sự tham gia của một số luật sư, trong đó có Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân. Cụ thể, trong các buổi livestream mà bà Phương Hằng phát ngôn những nội dung xúc phạm cá nhân vào các ngày 9/10/2021, 3/11/2021, 7/11/2021, 24/12/2021, 31/12/2021, 13/1/2022, 21/1/2022, 9/2/2022, 8/3/2022, 13/3/2022, 22/3/2022 có sự tham gia của ông Đặng Anh Quân.

Ông Quân đã cùng tương tác với bà Nguyễn Phương Hằng về các nội dung bà Hằng phát ngôn.

Theo kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân trong buổi livestream ngày 24/12/2021 là đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Có lời khai liên quan đến ông Quân, bà Nguyễn Phương Hằng khai ông Quân là những người có kiến thức, có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có cùng quan điểm với bà Hằng nên không cần bàn bạc, lên kịch bản trước mà vẫn hiểu nhau, vẫn có thể tung hứng với nhau trong các buổi liviestream.

Đối với các đồng phạm khác, kết luận điều tra xác định, tháng 3/2021, bị can Lê Thị Thu Hà tham gia hỗ trợ bà Hằng livestream, sắp xếp góc máy quay, sắp xếp sân khấu. Ngoài ra, Hà còn lập tài khoản Facebook lấy tên “Ha Lee” để thông báo lịch phát livestream và đăng tải bài viết theo chỉ đạo của bà Hằng.

Từ tháng 4/2021, bà Hằng chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Nhi tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội Tiktok và tài khoản Facebook cá nhân lấy tên “Hoàng Nhi” để thông báo lịch phát sóng livestream, đăng các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.

Còn bị can Huỳnh Công Tân giúp sức cho bà Hằng phát các buổi livestream qua mạng xã hội Youtube theo chỉ đạo của bà Hằng. Tân livestream bằng laptop và máy quay của Công ty CP Đại Nam. Đồng thời, Tân đọc lại các bình luận, dẫn chương trình cho các buổi livestream của bà Hằng.

Khai tại cơ quan điều tra, 3 bị can giúp sức cho bà Hằng đều nói không có mâu thuẫn với những cá nhân mà bà Hằng livestream xúc phạm, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bà Hằng.

Việc giúp sức của Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân chỉ dừng lại khi bà Phương Hằng bị khởi tố bắt giam.

Theo kết luận điều tra, hành vi của các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Trong đó, bị can Nguyễn Phương Hằng đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Đặng Anh Quân có vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, cơ quan điều tra còn kết luận về việc xử lý các cá nhân có liên quan.

Trong đó, có nhiều YouTuber đã đăng tải clip “câu view”, “câu like” ăn theo lùm xùm và công kích qua lại giữa bà Nguyễn Phương Hằng với nhiều cá nhân nghệ sĩ, gồm: Phạm Hoàng Khang, 29 tuổi, chủ kênh YouTube “Lang Thang Đường Phố”; Huỳnh Tấn Lợi, chủ kênh YouTube “Vlogs Trúc Ngân”; Võ Minh Điền, chủ kênh YouTube “Điền Võ”; Ngũ Lùn, chủ kênh YouTube “Bánh Mỳ Đây”; Nguyễn Việt Anh, chủ kênh YouTube “Chuyện Đời Thường”; Nguyễn Văn Việt, chủ kênh YouTube “Trai Đồng Bằng”.

Ngoài ra, kết luận điều tra còn nhắc đến luật sư Nguyễn Đình Kim, 64 tuổi, thuộc Đoàn Luật sư Tp.HCM. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM đã làm việc với luật sư Kim và và YouTuber nói trên.

Tuy nhiên, do hành vi chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự nên cơ quan điều tra chuyển thông tin, tài liệu liên quan đến cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Theo Người Đưa Tin