Ngày 15/5 vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đã thu hồi và hủy hơn 985.000 thuê bao. Động thái trên được kỳ vọng sẽ hạn chế thuê bao rác, từ đó giảm bớt tình trạng tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo xuất hiện tràn lan trong suốt thời gian qua.
Tuy vậy, tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tối 18/5, trên trang web chính thức, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết đơn vị này đã nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc có người tự nhận là nhân viên của Tổng công ty Điện lực gọi đến với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín ngành điện hoặc có hành vi lừa đảo.
Theo đó, những kẻ mạo danh đã yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân với lý do người dùng vi phạm ở một hợp đồng khác. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn đe dọa sẽ cắt điện trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm khách hàng nhận được cuộc gọi.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc đề nghị khách hàng nêu cao tinh thần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ, không hiển thị số điện thoại.
Đồng thời, nếu nhận được các thông báo bị cắt điện không rõ nguyên nhân hoặc yêu cầu nộp tiền điện, các loại phí liên quan, người dùng nên liên hệ ngay đến tổng đài chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ.
Cách đây không lâu, vào giữa tháng 3, nhiều kẻ gian cũng đã lợi dụng quy định về quản lý thuê bao để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, nhiều người dùng phản ánh rằng họ đã nhận được các cuộc gọi lừa đảo tự xưng là trung tâm viễn thông. Những cuộc gọi lừa đảo này đưa ra thông báo rằng số điện thoại của người dùng sẽ bị khóa nếu không cập nhật thông tin thuê bao.
Có thể thấy, kẻ gian đã liên tục thay đổi phương thức và chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân. Vào tháng 11/2022, nhiều người dùng cũng đã nhận được một số cuộc gọi tự xưng đến từ "Cục viễn thông" và đe dọa khóa SIM.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng. Mục đích của các đối tượng lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.