Mới đây, Công ty TNHH Long Hải khánh thành nhà máy với dây chuyền sản xuất nước ép từ rong sụn, sâm Fansipan và nhiều loại nông sản đóng tại TP.Hải Dương, công suất 24.000 sản phẩm/giờ. Nhà máy với 2 sản phẩm chủ lực là nước rong biển ép Kamila và Catalia. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chế biến, việc nhà máy này đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho nông dân trong tiêu thụ nông sản.
Không chỉ bà con vùng biển Ninh Thuận – nơi trồng rong sụn sản lượng lớn, có thêm lợi nhuận từ việc trồng loại cây này, mà nhiều người dân ở vùng cao xã Y Tý và xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai trồng sâm Fansipan cũng có đầu ra ổn định nhờ Công ty TNHH Long Hải bao tiêu sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bà con xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai vừa ký kết với Công ty TNHH Long Hải bán củ sâm Fansipan với giá cao hơn thị trường 10%. Công ty ứng trước cho bà con 10% chi phí phân bón, giống vốn đầu tư cho mô hình canh tác hữu cơ, đảm bảo yêu cầu nguyên liệu đầu vào sạch. Theo ông Tuấn, trước đây bà con ở xã Y Tý chỉ trồng củ sâm bán nhỏ lẻ sang Trung Quốc, bấp bênh đầu ra. Nay sản phẩm được bao tiêu, bà con an tâm hơn trong đầu tư trồng trọt. “Ngoài việc bà con trồng sâm được thu mua bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, đảm bảo lợi nhuận, công ty còn hướng đến canh tác hữu cơ. Việc này sẽ giúp địa phương có thêm sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Tuấn nhận định.
Trước đó, cuối năm 2018, Công ty TNHH Long Hải đã được chính quyền huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tạo điều kiện tiếp xúc, làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương các xã và khảo nghiệm thực tế vùng nguyên liệu. Ngay sau đó, phía Công ty TNHH Long Hải và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho người trồng sâm.
Ngoài ra, Công ty TNHH Long Hải đã và đang nghiên cứu vùng trồng cây chanh leo tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Triển khai qui hoạch vùng trồng này sẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định cho việc sản xuất sản phẩm nước rong biển ép Kamila vị chanh leo độc đáo, đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế URO, Nếu như tại thời điểm năm 2000, trung bình một người Việt tiêu thụ chỉ 6 lít nước ngọt trong một năm thì đến năm 2016 mức tiêu thụ bình quân này đã tăng lên đến 44 lít. Năm 2018, toàn thị trường nội địa tiêu dùng 5 tỷ lít, dự báo đến năm 2020 mức tiêu thụ này là 8 tỷ lít và tới năm 2025 toàn thị trường nội địa sẽ tiêu dùng 11 tỷ lít/ năm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Long Hải – đơn vị nỗ lực nghiên cứu và sản xuất nước ép chia sẻ, nhiều vùng nguyên liệu có tiềm năng lớn để khai thác và chế biến sản phẩm. Không thể cứ mãi loay hoay “giải cứu” hết khoai lang đến xoài, gần đây là dưa hấu, thanh long… Khi nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý tạo được sự liên kết, phối hợp vững bền, sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ thì vấn đề đầu ra cho nông sản sẽ được giải quyết thuận lợi, không còn chuyện bị động tiêu thụ như lâu nay.
“Việt Nam có nguồn rau củ quả dồi dào sẽ là nguồn nguyên liệu tốt cho việc tạo các loại nước ép chất lượng, bổ dưỡng. Muốn sản phẩm sạch thì phải có nguồn nguyên liệu chuẩn, vì vậy công ty chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học, bà con nông dân… hướng việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, tạo nguyên liệu sạch, an toàn cho sức khỏe. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng sang các loại nước ép khác: dưa hấu, thanh long… góp phần đảm bảo đầu ra cho nông dân nay tại thị trường nội địa, không quá phụ thuộc thị trường nước ngoài”, ông Thành nói.