Cô Lưu (27 tuổi, sống tại Thiên Tân, Trung Quốc) đã qua đời sau 10 ngày điều trị bằng laser để loại bỏ vết thâm và vết bớt.
Chồng Lưu cho biết, cô có nhiều đốm sắc tố trên cơ thể, một số đốm rất lớn và sẫm màu. Lưu được chẩn đoán mắc bệnh u xơ thần kinh và bớt cà phê sữa, cần phải trải qua nhiều lần làm thủ thuật loại bỏ. Cô đã điều trị bằng laser 9 lần tại Bệnh viện Da liễu Jinmen ở Thiên Tân và một phòng khám tư nhân với tổng chi phí 100 nghìn nhân dân tệ (350 triệu đồng).
Sau đó, Lưu báo với bác sỹ rằng các triệu chứng của cô trở nên tồi tệ hơn sau khi làm các thủ thuật. Mẹ Lưu tiết lộ rằng, có lần việc điều trị phải ngừng lại khi cô gặp cơn đau dữ dội do gây tê không đều.
Ngày 21/10, trong lần làm thủ thuật thứ 10, cô bị chóng mặt sau khi bôi kem gây tê. Mặc dù các bác sỹ đã nhanh chóng loại bỏ kem nhưng Lưu vẫn bị sốc, lên cơn co giật và ngừng tim. Mọi người gọi dịch vụ cấp cứu, đưa cô đến một bệnh viện khác để chăm sóc khẩn cấp, nhưng cô đã qua đời sau đó 10 ngày.
Theo báo cáo của các bác sỹ cấp cứu, Lưu tử vong do biến chứng liên quan đến áp lực nội sọ quá cao. Thi thể của cô đã được gửi đi khám nghiệm tử thi và đang chờ xử lý kết quả. Chồng Lưu nghi ngờ rằng lượng thuốc gây mê quá lớn đã gây ra phản ứng dị ứng và điều này dẫn đến cái chết của vợ anh.
Đội ngũ nhân viên tại Bệnh viện Da liễu Jinmen tuyên bố rằng kem gây tê được sử dụng theo quy trình chuẩn và cơ quan chức năng có thể xét nghiệm dị ứng theo yêu cầu. Giám đốc bệnh viện bày tỏ sự tiếc nuối về cái chết của Lưu và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu phát hiện có lỗi”.
Ở Trung Quốc, những chuyên gia y tế sơ suất gây ra cái chết cho bệnh nhân có thể phải đối mặt với án tù lên tới 3 năm và nộp tiền phạt.
Thông tin về cái chết của cô Lưu khiến cộng đồng mạng Trung Quốc lo ngại, tin tức về sự việc đạt tới 58 triệu lượt xem trên mạng Xã hội Weibo.
Một phụ nữ tự nhận là bạn của Lưu cáo buộc rằng bệnh viện không có đủ dịch vụ cấp cứu, dẫn đến bỏ lỡ thời điểm vàng để cứu mạng Lưu.
Một người dùng Weibo khác cho rằng nạn nhân đã sai lầm khi can thiệp xóa bỏ các vết bớt: "Nếu Lưu không làm thủ thuật, thảm kịch này có thể đã không xảy ra. So với sức khỏe, sắc đẹp không đáng kể". Tuy nhiên, rất nhiều cư dân mạng thấu hiểu và tôn trọng quyết định của cô: “Những vết bớt cà phê sữa không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, chúng có thể tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của một người. Lưu không sai khi tìm cách điều trị, vấn đề nằm ở bệnh viện".
Rất nhiều người dùng nêu lo ngại về sự an toàn của các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ: “Các phòng khám tư nhân thường thiếu an toàn và độ tin cậy. Các ca can thiệp nên được thực hiện tại các bệnh viện công có uy tín”.
Thống kê cho thấy chỉ 12% trong số 13.000 phòng khám thẩm mỹ tại Trung Quốc tuân thủ các quy định pháp lý. Các trường hợp tử vong do can thiệp thẩm mỹ xảy ra rất nhiều ở nước này. Cuối tháng 1/2023, một phụ nữ 43 tuổi ở miền đông Trung Quốc tử vong do sơ suất y khoa trong quá trình hút mỡ.
Tháng 12/2020, một phụ nữ ở miền nam Trung Quốc chết sau khi trải qua 6 ca phẫu thuật thẩm mỹ trong vòng 24 giờ.