Nội dung trên được đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới được trình tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/4.
Đề xuất 3 nội dung điều chỉnh
Tại tờ trình này, ông Trí cho biết tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới.
Đồng thời, việc chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (trái) đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới. Ảnh: Phạm Thắng. |
Vì vậy, ông Trí cho rằng việc xây dựng Luật Bản dạng giới sẽ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…
Những người này phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; được khuyến khích để có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội...
Theo ông Trí, dù có ất nhiều dạng giới khác nhau, để phù hợp với văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào hai dạng giới nam và nữ.
Ngọc Trần (trái), được nhiều khán giả biết tới là diễn viên chuyển giới từ nam sang nữ với nghệ danh Cherry Minh Ngọc cùng chồng là Ngô Minh Dân, người chuyển giới từ nữ sang nam. Tháng 10/2022, họ được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Trên giấy tờ, Ngọc Trần là “chồng” còn anh Dân là “vợ”. Ảnh: Phương Lâm. |
Tại tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, ông Trí đưa ra 3 nội dung chính đề xuất trong phạm vi điều chỉnh luật.
Thứ nhất, quyền chuyển đổi giới tính của công dân khẳng định công dân có quyền chuyển đổi giới tính, đồng thời đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền này.
Các tiêu chí bao gồm: Công dân đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có tình trạng hôn nhân độc thân; không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Thứ hai, quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân.
Theo ông Trí, công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.
Thứ ba, quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; trong đó, quy định công dân có quyền lựa chọn hình thức can thiệp y học, điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học; các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học.
Với Luật Bản dạng giới, ông Trí đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung liên quan đến dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết hồ sơ đề nghị xây dựng luật còn một số nội dung cần hoàn thiện.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự án luật như đại biểu đề xuất rộng hơn so với định hướng ban hành Luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính. Nhiều nội dung chính sách có sự giao thoa với dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì nghiên cứu lập đề nghị.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thu hẹp hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cân nhắc thời điểm trình phù hợp để có thêm thời gian nghiên cứu, xây dựng dự án luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: Phạm Thắng. |
Trong khi đó, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất việc đưa dự án luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến về đề nghị xây dựng luật và phân công Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với đại biểu trong quá trình xây dựng dự án luật; đề nghị Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp hỗ trợ đại biểu trong việc hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn đây là dự án luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành luật.
Ngoài ra, có ý kiến phạm vi điều chỉnh trên trùng lặp với dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang được Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức.
Với các ý kiến trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình khi đủ điều kiện.
Cùng đánh cao dự án Luật Bản dạng giới, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án luật đã thể hiện tương đối rõ. Đại biểu cũng đã làm rõ được tính cấp thiết, sự cần thiết ban hành luật nhằm đảm bảo quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân…
Theo ông Cường, vấn đề chuyển đổi giới tính thời ở điểm này cũng đã tương đối cởi mở nên nếu không xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề này thì sẽ gặp cả vấn đề về thể chế lẫn thực tiễn, vấn đề hội nhập quốc tế.
Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Đại biểu sẽ được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án.
Năm 2015, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội khoá XIV, đoàn Hà Nội) từng đề xuất xây dựng Luật về Hành chính công. Đề xuất này không được Quốc hội thông qua để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh.