Ngày 29/7, Apple phát hành bản thử nghiệm đầu tiên của iOS 18.1, iPadOS 18.1 và macOS 15.1. Điểm nổi bật là sự xuất hiện của Apple Intelligence, cho phép trải nghiệm sớm những tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) trước khi phát hành rộng rãi vào năm 2025.
Một số tính năng nổi bật của Apple Intelligence trên iOS 18.1 beta 1 như xử lý văn bản, cải tiến Siri, tóm tắt email hay dịch cuộc gọi thành văn bản (hiện chỉ hỗ trợ tiếng Anh).
Dưới đây là tổng hợp một số trải nghiệm đầu tiên về AI tạo sinh của Apple trên iOS 18.1. Để sử dụng Apple Intelligence, người dùng cần đăng ký hàng chờ, sở hữu Mac hoặc iPad với chip M1 trở lên, iPhone 15 Pro hoặc 15 Pro Max.
Khả năng viết lại văn bản
Xử lý văn bản là một trong những tính năng AI tạo sinh phổ biến. Theo 9to5Mac, Apple đã tích hợp công cụ này vào hệ thống nhập liệu của iOS/iPadOS 18.1 và macOS 15.1, đồng nghĩa người dùng có thể yêu cầu AI xử lý văn bản trong mọi ứng dụng.
Để kích hoạt AI, chỉ cần bôi đen văn bản bất kỳ, sau đó chọn Writing Tools trong menu tiếp theo. Apple hỗ trợ nhiều chế độ khác nhau như "Hiệu đính" (Proofread), "Viết lại" (Rewrite), "Tóm tắt" (Summary), "Tạo bảng" (Table)...
2 tùy chọn đầu tiên là các tính năng chính, cho phép AI tự động xử lý văn bản mà không cần hướng dẫn thêm. Nếu muốn văn bản mang Phong cách nhất định, có thể chọn các mục như "Thân thiện" (Friendly), "Chuyên nghiệp" (Professional) hay "Súc tích" (Concise).
Khi chọn xong chế độ, các thay đổi do Apple Intelligence xử lý sẽ xuất hiện trong hộp thoại mới. Người dùng có thể sao chép kết quả vào clipboard, thay thế trực tiếp vào đoạn bôi đen, hoặc yêu cầu viết lại nếu chưa ưng ý.
Theo trải nghiệm của 9to5Mac, công cụ xử lý văn bản trên iOS 18.1 cho kết quả dễ nhận biết, đặc biệt với các phong cách viết khác nhau.
Ví dụ, kiểu "Thân thiện" cho cảm giác kém nghiêm túc và giàu cảm xúc, "Chuyên nghiệp" thì rất nghiêm túc, còn "Súc tích" rút ngắn văn bản nhưng có lỗi ngữ pháp.
Nếu không chọn phong cách, tính năng "Viết lại" giữ phần lớn văn bản gốc, chỉ thay đổi một số vị trí từ trong câu và vài tinh chỉnh nhỏ.
Với những chế độ khác, tóm tắt văn bản có thể hữu ích lúc duyệt web. Trong khi đó, chế độ "Ý chính" (Key Points) sẽ tổng hợp nội dung quan trọng theo gạch đầu dòng, còn "Hiệu đính" giúp sửa lỗi ngữ pháp.
Tất nhiên, đây vẫn là bản thử nghiệm đầu tiên của Apple Intelligence. Ngay cả khi phát hành cùng iOS 18 chính thức vào mùa thu, bộ công cụ vẫn được dán nhãn "beta" đến năm sau.
Tóm tắt email và ghi âm cuộc gọi
Giao diện kèm hiệu ứng mới của Siri cũng xuất hiện trên iOS 18.1 beta 1 nhưng thực chất vẫn là phiên bản cũ.
Theo WSJ, khả năng tích hợp ChatGPT và trả lời câu hỏi dựa trên ngữ cảnh của Siri có thể cập nhật chính thức vào cuối năm nay, thay vì đầu 2025 như tin đồn trước. Trong khi đó, những tính năng tiên tiến hơn như xử lý thông tin trên màn hình, chạy tác vụ trong app vẫn chưa có lịch phát hành cụ thể.
Hiệu ứng mới của Siri được đánh giá tốt hơn bởi với giao diện cũ, trợ lý sẽ chiếm diện tích dưới màn hình, ảnh hưởng khi xem Phim, nhắn tin hay duyệt web.
Ứng dụng Mail trên iOS 18.1 cũng tích hợp Apple Intelligence. Khi đọc email, người dùng có thể yêu cầu tóm tắt nội dung bằng cách nhấn nút Summarize phía trên.
Ngoài ra, MacRumors liệt kê một số tính năng AI như ưu tiên hiển thị email trong thời gian quan trọng, gợi ý nội dung phản hồi và tóm tắt nội dung nhiều email trên màn hình chính.
Nhờ Apple Intelligence, iOS 18.1 còn hỗ trợ ghi âm cuộc gọi và chuyển thành văn bản. Trong màn hình gọi điện, chỉ cần nhấn nút ghi âm trên góc trái.
Sau đó, màn hình hiện cảnh báo cuộc gọi được ghi âm và thông báo ghi chú. Người dùng có thể nghe lại cuộc gọi và văn bản được chuyển trong ứng dụng Notes.
Tôn trọng quyền riêng tư
Apple Intelligence kết hợp mô hình ngôn ngữ chạy trên máy lẫn thuật toán đám mây. Để đảm bảo quyền riêng tư, Apple phát triển chip Private Compute Modules (PCC) để mã hóa dữ liệu đầu cuối khi gửi lên máy chủ. Do đó, kể cả công ty cũng không thể truy cập dữ liệu. Sau khi xử lý xong, mọi dữ liệu sẽ bị xóa.
"Được xây dựng bằng con chip tùy chỉnh của Apple và hệ điều hành tăng cường bảo mật, chúng tôi tin rằng PCC là kiến trúc bảo mật tiên tiến nhất từng được triển khai cho điện toám AI đám mây quy mô lớn", Apple mô tả.
Theo Apple, các nhà nghiên cứu có thể độc lập xác minh độ bảo mật của PCC. Người dùng cũng có thể kiểm tra dữ liệu được xử lý bởi con chip thông qua mục Apple Intelligence Report trên iOS 18.1 và macOS 15.1 bản thử nghiệm.
Do báo cáo có thể gồm dữ liệu nhạy cảm, người dùng chỉ có thể truy cập sau khi xác thực bằng Face ID và Touch ID. Theo 9to5Mac, giải pháp này giúp ngăn chặn người khác đọc các câu lệnh được gửi, tương tự tình trạng xảy ra với ChatGPT trên macOS cách đây vài tuần.
Báo cáo được Apple Intelligence tạo mặc định và chỉ lưu trên thiết bị trong 15 phút. Người dùng có thể thay đổi thời gian lưu báo cáo trong 7 ngày, hoặc hoàn toàn không lưu.
Bên cạnh thiết bị tương thích, AppleInsider cho biết Táo khuyết chưa phát hành Intelligence cho một số thị trường, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) do quy định quyền riêng tư và bảo mật ảnh hưởng đến "tính toàn vẹn" của tính năng. Dù vậy, công ty đang tìm giải pháp phù hợp.
Do vẫn đang phát triển, nhiều tính năng Apple Intelligence chưa xuất hiện trên iOS 18.1 như công cụ tạo ảnh và emoji, tóm tắt thông báo hay ChatGPT. Người dùng cũng bị giới hạn ngôn ngữ tiếng Anh.
Tất nhiên, bản thử nghiệm cho lập trình viên sẽ có nhiều lỗi hoặc hao pin. Theo CNET, người dùng nên cân nhắc khi cập nhật cho thiết bị, sao lưu dữ liệu trước khi cài đặt.