Đi ăn cỗ cưới hay bỏ tiền lấy phần vài miếng giò, miếng thịt mang về?

Đến bây giờ cứ nghĩ đến chuyện về quê ăn cưới là tôi lại sợ. Tôi sợ cảnh phải ngồi một mình một mâm với đĩa nộm, bát canh còn lại.

Tôi vốn sinh ra ở quê, trưởng thành từ cái nôi giếng nước, ao làng. Lớn lên, tôi lên thành phố học đại học rồi lập nghiệp. Sau đó, may mắn gặp được người như ý, tôi kết hôn rồi định cư luôn ở thành phố. Mỗi năm, tôi chỉ về quê vài lần thăm bố mẹ nhân dịp nghỉ dài. 

Bố mẹ tuổi cao sức yếu rồi qua đời, tôi cũng ít về quê hơn. Chỉ dịp cúng giỗ, có đám cưới hỏi của họ hàng, tôi mới về. Cách đây 1 năm, tôi về ăn cưới đứa em họ. 

Tôi không còn muốn về quê ăn cỗ cưới vì phong tục lấy phần. Ảnh minh họa

Cỗ cưới hôm đó thịnh soạn, gần 10 món. Tôi nghĩ bụng, cỗ ở quê bây giờ cũng hiện đại, phong phú hơn trước rất nhiều. Vừa ngồi vào mâm, chưa kịp thưởng thức, tôi tá hỏa vì hành động của mọi người.

Chỉ trong vòng 10 phút, tất cả cỗ trên bàn được trút vào từng túi nilon, chia đều. Mâm 6 người có 6 túi nilon. Thịt gà, giò chả, nem, tôm, kể cả mấy món xào đều được cho vào trong túi. Quay đi quay lại, thứ còn lại trên mâm chỉ là bát canh và đĩa nộm. 

Tôi hoang mang không hiểu tại sao chưa ai đụng đũa, cũng chưa kịp uống cốc nước ngọt chúc mừng mà mọi thứ đã tan hoang. Ngay cả đồ uống, mọi người cũng cho vào túi mang về hết. Quả cam quả quýt để tráng miệng cũng không thấy đâu. 

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là trong mâm hầu hết là thanh niên trẻ, chưa đến 30 tuổi. Có người đã lập gia đình, có người thì chưa. Dù không quen với việc lấy phần như vậy nhưng tôi có thể thông cảm cho mâm của các cụ già. Nhưng mâm toàn thanh niên cũng nhanh chóng chia phần khiến tôi hơi choáng.

Có chị đưa cho tôi chiếc túi đã chia phần bảo mang về nhưng tôi lắc đầu. Tôi có nói một câu: “Em không quen xách đồ về, với lại nhà em cũng có cỗ, không ai ăn đâu ạ”. 

Nghe tôi nói, chị bĩu môi dài rồi quay sang nhìn người bên cạnh xì xào to nhỏ. Tôi nghe loáng thoáng họ nói mình sĩ diện, tỏ vẻ người thành phố. Câu nói ấy khiến tôi xây xẩm mặt mày. Thực sự trong lòng tôi chưa từng nghĩ chuyện người phố người quê. Bởi tôi cũng là người nhà quê, cũng sinh ra và lớn lên ở quê hương mình. Tôi đâu có vì vài năm sống trên thành phố mà quên mất gốc gác?

Thế nhưng chuyện chưa ai kịp động đũa mà đã xách hết đồ mang về khiến tôi thực sự không hài lòng. Sau 15 phút, tất cả ra về, tay xách túi đồ ăn. Họ còn không kịp đợi cô dâu chú rể tới nâng ly chúc mừng. Bữa tiệc cưới kết thúc một cách nhanh chóng. Tôi cũng vì quá ngại mà đứng lên, đi ra chỗ khác quan sát cô dâu chú rể. 

Trong lòng tôi không hiểu họ đi ăn cỗ, mừng đám cưới hay bỏ tiền mua vài miếng giò, miếng thịt mang về nhà? 

Cũng từ đó, tôi không còn muốn về quê dự đám cưới của người thân. Ai có gọi mời, tôi chỉ gửi tiền mừng chứ không có ý đến ăn cỗ. Tôi sợ cảnh ngồi một mình một mâm với bát canh và đĩa nộm.