Điểm danh những cụm từ viral, gây bão năm 2024 - Bạn đã bắt trend chưa?

"Đám giỗ bên cồn", "vì tôi là người thư giãn", "check var - phông bạt", hay "vượt mức pickleball"... là những cụm từ làm dậy sóng trên mạng xã hội Việt Nam trong năm 2024.

Năm 2024, mạng Xã hội Việt chứng kiến sự bùng nổ của nhiều cụm từ mới, nhanh chóng trở thành câu cửa miệng của cả giới trẻ lẫn cư dân mạng từ mọi tầng lớp, từ những người nổi tiếng đến người dùng bình thường.

Ngoan xinh yêu

Cụm từ "ngoan xinh yêu" nhanh chóng chiếm trọn trái tim cộng đồng mạng, trở thành cách biểu đạt đầy ngọt ngào khi muốn khen ai đó ngoan ngoãn, đáng yêu và dễ thương. Xuất phát từ một đoạn video viral của hot girl Salim, khi cô âu yếm hỏi cô con gái nhỏ Pam: "Ngoan xinh yêu của mẹ đâu rồi?" Câu trả lời ngọt lịm "Đây rồi!" từ bé Pam với giọng nói đáng yêu đã "gây bão" khắp các nền tảng mạng xã hội. Đoạn clip không chỉ khiến cụm từ này phổ biến mà còn góp phần khẳng định Pam là ngôi sao nhí đáng yêu được nhiều người yêu mến.

diem-danh-nhung-cum-tu-viral-gay-bao-nam-2024-ban-da-bat-trend-chua1-1735184540.jpg
"Ngoan xinh yêu" trở thành từ khóa hot trend đầu năm 2024. (Ảnh: Sưu tầm)

Gia trưởng mới lo được cho em

Cụm từ "Gia trưởng mới lo được cho em" đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng mạng xã hội vào tháng 3/2024, sau khi xuất hiện trong một buổi livestream của Ninh Anh Bùi, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng. Trong buổi trò chuyện, Ninh Anh Bùi chia sẻ quan điểm rằng người đàn ông cần thể hiện vai trò “gia trưởng” để có thể chăm sóc và bảo vệ gia đình hoặc người yêu của mình một cách tốt nhất.

Mặc dù ý kiến này gây ra nhiều tranh luận gay gắt, cụm từ lại bất ngờ lan tỏa mạnh mẽ. Nó không chỉ xuất hiện trong các bình luận và bài đăng trên mạng xã hội mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho vô số video sáng tạo, thậm chí là meme châm biếm, phản ánh đa chiều về chủ đề "gia trưởng" trong mối quan hệ hiện đại.

diem-danh-nhung-cum-tu-viral-gay-bao-nam-2024-ban-da-bat-trend-chua-1735184547.jpg
"Gia trưởng mới lo được cho em" đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng mạng xã hội vào tháng 3/2024 (Ảnh: Sưu tầm)

Thợ săn Hồng Hài Nhi

"Hồng Hài Nhi", nhân vật yêu quái quyền năng trong Tây Du Ký, bất ngờ được Gen Z "mượn" làm thuật ngữ mới để chỉ các chàng trai trẻ trung, tràn đầy sức sống. Từ đó, cụm từ "thợ săn Hồng Hài Nhi" ra đời, ám chỉ những phụ nữ có bạn trai kém tuổi – mối quan hệ mà người xưa từng ví von là “máy bay bà già – phi công trẻ”.

Với lối ví von hài hước, đầy sáng tạo, cụm từ này trở thành một cách nói duyên dáng hơn về những câu chuyện tình yêu “chị em”. Xu hướng này nhanh chóng phủ sóng khắp mạng xã hội, đặc biệt trong các clip TikTok kể về tình huống hài hước giữa các cặp đôi lệch tuổi.

Khó chệu vô cùng

Vào tháng 7/2024, cụm từ "Khó chệu vô cùng" bỗng chốc trở thành từ cửa miệng của dân mạng, xuất phát từ loạt video của Violet Vũ, một TikToker chuyên đóng vai nhân viên văn phòng với biểu cảm chán nản và khó chịu trước những tình huống thường ngày ở công sở.

Cách nói "khó chệu" thay cho "khó chịu" tạo ra một âm điệu hài hước, giúp làm dịu đi sự bực dọc vốn có, biến những điều bức xúc trở nên nhẹ nhàng, đáng yêu hơn. Chính sự sáng tạo này đã khiến cụm từ nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu trong các status, comment, và thậm chí là meme miêu tả sự bức bối một cách vui nhộn.

Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới

Ba cụm từ này xuất phát từ chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, với lời nói đầy hài hước của NSND Tự Long. "Đỉnh nóc" và "kịch trần" thường được dùng để mô tả điều gì đó tuyệt đỉnh, đạt đến mức hoàn hảo. Trong khi đó, "bay phấp phới" mang hình ảnh đầy tự do, phóng khoáng, gợi cảm giác nhẹ nhàng và hưng phấn.

Sau khi phát sóng, những cụm từ này nhanh chóng len lỏi vào các bài viết, bình luận và meme trên mạng. Từ việc khen ngợi một món ăn ngon, một bộ trang phục đẹp, hay thậm chí những sự kiện đáng nhớ trong đời sống, cụm từ này đều được áp dụng linh hoạt, mang đến sự vui nhộn và sáng tạo trong giao tiếp.

Ai sợ thì đi về

Câu nói gây bão "Ai sợ thì đi về" gắn liền với rapper MCK trong một màn trình diễn đầy ấn tượng hồi tháng 7. Xuất hiện trên sân khấu với vẻ ngoài "chất chơi" – gương mặt không lông mày, choker da nạm đinh và trang phục táo bạo, anh hô to: "Phía dưới nhảy mạnh lên, ai sợ thì đi về. Phong cách phong cách phong cách...".

Đoạn video màn trình diễn này đã thu hút hơn 14 triệu lượt xem trên TikTok, biến cụm từ "Ai sợ thì đi về" trở thành hot trend. Người dùng mạng thường xuyên sử dụng cụm từ này trong các tình huống đời thường, như lời khích lệ, đùa cợt, hay để thể hiện tinh thần mạnh mẽ, không ngại thử thách.

Video "Ai sợ thì đi về" của MCK thu hút 14 triệu lượt xem trên TikTok. (Ảnh chụp màn hình)

Video "Ai sợ thì đi về" của MCK thu hút 14 triệu lượt xem trên TikTok. (Ảnh chụp màn hình)

"Đã ai làm gì đâu, đã ai chạm vào đâu"

Xuất hiện lần đầu trong chương trình Anh trai say hi, câu nói "Đã có ai làm gì đâu, đã làm gì đâu, đã chạm vào đâu" của nghệ sĩ Quang Trung nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng vào tháng 8. Câu nói được thốt ra trong một trò chơi thử thách cùng nhóm Regret, mang theo âm điệu hài hước và nét "tỉnh bơ" đặc trưng của Quang Trung.

Dân mạng nhanh chóng biến câu nói này thành "lá chắn vô tội" trong những tình huống bị ngờ vực hoặc đổ lỗi oan. Với cách sử dụng dí dỏm và phù hợp trong các meme, trạng thái, câu nói này dần trở thành câu cửa miệng cho cả những tình huống đời thường lẫn các bình luận hài hước trên mạng xã hội.

"Check var" và "Phông bạt" – Bộ đôi gây bão tháng 9

Vốn là thuật ngữ trong Bóng đá, "check var" (viết tắt của "Video Assistant Referee") chỉ việc kiểm tra lại tình huống để xác định độ chính xác. Nhưng kể từ tháng 7/2023, cụm từ này đã vượt ra khỏi giới hạn sân cỏ, trở thành cách nói đầy "trend" của giới trẻ khi muốn kiểm chứng thông tin, đặc biệt là những lời "nổ" trên mạng xã hội.

Đến tháng 9/2024, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố chi tiết sao kê các khoản quyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, "check var" bỗng trở thành tâm điểm. Cộng đồng mạng đua nhau áp dụng "check var" để soi xét xem số tiền mà các nghệ sĩ, KOLs và tổ chức đã công bố có khớp với thực tế không.

Trong "cơn bão check var", khái niệm "phông bạt" – ám chỉ việc khoe khoang, làm màu vượt quá thực tế – cũng được gọi tên. Rất nhiều trường hợp bị "bóc phốt" khoe khống số tiền ủng hộ nhằm tạo hình ảnh đẹp cho bản thân. Hai cụm từ này nhanh chóng "gắn kết", trở thành cặp đôi viral trên khắp các bài viết, video, và bình luận.

"Phông bạt" và "check var" viral trên mạng xã hội hồi tháng 9. (Ảnh: CafeF)

"Phông bạt" và "check var" viral trên mạng xã hội hồi tháng 9. (Ảnh: CafeF)

"Vì tôi là người thư giãn" – Cơn sốt từ meme "Chill guy"

Tháng 12/2024, mạng xã hội Việt Nam bùng nổ với meme "Chill guy" – hình ảnh một chú chó màu nâu mặc áo len xám, quần jeans xanh, đi giày Thể thao đỏ, đứng đút tay túi quần với nụ cười mỉm đầy "chill". Biểu cảm nhẹ nhàng, thư giãn của chú chó khiến cư dân mạng phát cuồng, sử dụng rộng rãi trong các bài đăng, bình luận để thể hiện thái độ "bình thản đón nhận mọi thứ".

Không dừng lại ở việc gây cười, meme "Chill guy" còn trở thành biểu tượng của một lối sống cân bằng. Nhiều bạn trẻ sử dụng meme này để khẳng định quan điểm sống thoải mái, biết cách thư giãn giữa nhịp sống hối hả. Sự yêu thích đối với chú chó "Chill guy" còn thúc đẩy một làn sóng sáng tạo khi cộng đồng mạng quyết định "kiếm người yêu" cho nó.

Và thế là "Chill girl" ra đời – một cô chó nâu duyên dáng với áo len hồng, quần jeans, đeo nơ xinh xắn. Meme "Chill girl" nhanh chóng được các bạn nữ đón nhận, trở thành cách thể hiện phong cách sống tích cực, dễ chịu của mình.

Hai phiên bản meme này tạo nên xu hướng vui nhộn trên mạng xã hội. Các bạn nam thường khẳng định "vì tôi là anh chàng thư giãn" bằng "Chill guy", trong khi các bạn nữ hứng thú dùng "Chill girl" để thể hiện "vì tôi là cô nàng thư giãn".

Sức hút của bộ đôi meme không chỉ nằm ở sự đáng yêu mà còn phản ánh tinh thần đề cao sức khỏe tinh thần, cân bằng giữa công việc và cuộc sống – một xu hướng sống tích cực mà giới trẻ ngày nay theo đuổi.

Trào lưu 'Chill guy' gây sốt điên đảo trên mạng xã hội.

Trào lưu 'Chill guy' gây sốt điên đảo trên mạng xã hội. 

8386 – Con số của thịnh vượng

Cuối tháng 10, dãy số 8386 bất ngờ trở thành "từ khóa hot" trên mạng xã hội. Mang ý nghĩa "phát tài phát lộc", dãy số này nhanh chóng chiếm sóng khắp các bài đăng, bình luận và tin nhắn. Người dùng thường sử dụng 8386 như một lời chúc may mắn và thịnh vượng dành cho bạn bè, gia đình, nhất là trong các dịp quan trọng như khai trương, lễ Tết, hoặc kỷ niệm.

Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tài lộc, dãy số này còn tạo nên một "ngôn ngữ số" mới đầy hài hước và gần gũi. Cộng đồng mạng đua nhau sáng tạo những cách sử dụng độc đáo, đưa 8386 vào các meme, video ngắn và status hài hước.

"Nín!" – Câu nói triệu view từ em bé ông cụ non

Đầu tháng 11, cộng đồng mạng "rụng tim" trước một clip ngắn 7 giây ghi lại cảnh bé Danh Hưng, chỉ mới 21 tháng tuổi, trả lời mẹ bằng một từ duy nhất nhưng đầy ấn tượng: "Nín!". Trong đoạn video, khi được mẹ hỏi: "Ở lớp con khóc thì cô bảo sao?", cậu bé kéo dài giọng, nói với vẻ mặt "già đời": "Nín!" – biểu cảm ông cụ non của bé khiến dân mạng không nhịn được cười.

Câu nói bất ngờ này nhanh chóng trở thành trào lưu trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác. Những meme chế từ hình ảnh bé Hưng xuất hiện ở khắp mọi nơi, trở thành biểu tượng hài hước để "chốt hạ" những cuộc tranh luận căng thẳng hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng ai đó… nên im lặng.

Câu chuyện về bé Hưng không chỉ mang lại tiếng cười mà còn khiến cộng đồng thêm yêu mến sự hồn nhiên, đáng yêu của trẻ nhỏ. "Nín!" không chỉ là từ khóa triệu view mà còn là lời nhắc nhở giản đơn: đôi khi, sự nhẹ nhàng lại có sức mạnh kết thúc mọi căng thẳng.

Cụm từ "Nín" được cộng đồng mạng đua nhau sử dụng. (Ảnh chụp màn hình)

 Cụm từ "Nín" được cộng đồng mạng đua nhau sử dụng. (Ảnh chụp màn hình)

Vượt mức Pickleball 

Cụm từ "vượt mức Pickleball" nổi lên như một hiện tượng trên mạng xã hội năm 2024, mang ý nghĩa vượt quá giới hạn hoặc làm điều gì đó quá mức. Nguồn gốc của cụm từ này bắt đầu từ ca khúc Pickleball của ca sĩ Đỗ Phú Quý, với phần lời gây chú ý khi miêu tả những tình huống "vượt quá ngưỡng chịu đựng".

Dần dần, dân mạng dùng "vượt mức Pickleball" để bình luận những sự việc có phần "lố tay", từ cách hành xử thái quá đến những bộ trang phục cầu kỳ hoặc hành động gây chú ý. Cụm từ này nhanh chóng thay thế các biểu đạt quen thuộc như "quá trớn rồi" hay "đừng làm lố", trở thành cách nói đầy mỉa mai nhưng cũng không kém phần hài hước trong nhiều tình huống hàng ngày.

Đám giỗ bên cồn

Đầu tháng 12, cụm từ "Đám giỗ bên cồn" lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhờ những video độc đáo của TikToker Lê Tuấn Khang, một chàng trai 22 tuổi đến từ Sóc Trăng. Cụm từ này gắn liền với hình ảnh những đám giỗ diễn ra trên các cồn đất giữa sông ở miền Tây Nam Bộ – nơi người dân tổ chức những bữa tiệc ấm áp, đầy tình làng nghĩa xóm.

Không chỉ là dịp tưởng nhớ người thân đã khuất, "đám giỗ bên cồn" còn là một lễ hội thu nhỏ với sự tham gia của cả xóm, mang đậm bản sắc văn hóa miền sông nước. Qua những video của Lê Tuấn Khang, cư dân mạng không chỉ được khám phá nét đẹp độc đáo này mà còn truyền tay nhau cụm từ "đám giỗ bên cồn" để ám chỉ những buổi gặp mặt đông vui, rộn ràng, đầy tình cảm.

"Đám giỗ bên cồn" là cụm từ quen thuộc trong các video của Lê Tuấn Khang.

"Đám giỗ bên cồn" là cụm từ quen thuộc trong các video của Lê Tuấn Khang.

Ngay sau khi cụm từ viral của năm 2024 này trở thành xu hướng, hàng loạt TikToker nhanh chóng sáng tạo thêm nhiều phiên bản mới. Nhiều video với hashtag #DamGioBenCon thu về hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận, cho thấy sự yêu thích và hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng mạng.

Nhật Thùy