Bản tin dự báo nguy cơ bão/áp thấp của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho hay, trong tuần từ 9-15.10.2024 dự kiến 1 áp thấp xuất hiện ở phía đông bắc khu vực thông tin bão (TCID - Tropical Cyclone Information Domain) của Philippines.
Vị trí tâm áp thấp dự kiến ở vào khoảng từ 25 độ vĩ bắc, 150 độ kinh đông. Áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão từ vừa đến trung bình.
Các mô hình dự báo thời tiết cho thấy, trong tuần từ ngày 16-22.10.2024 dự kiến xuất hiện áp thấp ở phía đông nam khu vực dự báo của Philippines (PAR) và khu vực khuyến cáo bão (TCAD-Tropical Cyclone Advisory Domain).
Vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng từ 7 độ vĩ bắc, 140 độ kinh đông. Áp thấp ít có khả năng mạnh lên thành bão.
Bản tin dự báo thời tiết hồi 3h ngày 10.10.2024 của PAGASA cho thấy, hiện tại không có áp thấp nào gần Philippines.
Ngày 9.10, áp thấp gần Biển Đông đã tan và áp thấp nhiệt đới bên ngoài PAR cũng không còn nằm trong vùng quan sát của Philippines.
Philippines hiện đã kết thúc giai đoạn gió tây nam và bước vào giai đoạn gió đông bắc.
PAGASA cũng đang theo dõi khả năng phát triển của La Nina ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. PAGASA trước đó cho biết có 71% khả năng La Nina hình thành vào tháng 9-11 năm 2024 và có khả năng kéo dài đến tháng 1-3 năm 2025.
Đối với Philippines, La Nina có thể gây nhiều mưa hơn và nhiều bão hơn. Trong mùa bão 2024 tính đến nay, Philippines đã chịu ảnh hưởng của 10 cơn bão.
Trước đó, PAGASA dự báo có từ 4 đến 7 cơn bão hình thành bên trong hoặc đi vào PAR trong quý IV năm 2024.
2 hoặc 3 cơn bão được dự báo sẽ xảy ra trong tháng 10 và 1 hoặc 2 cơn bão vào tháng 11 và tháng 12.
Hầu hết các cơn bão trong tháng 10 đều đổ bộ vào Luzon trong khi các cơn bão vào tháng 11 và tháng 12 chủ yếu tấn công Bicol, Đông Visayas và Đông Mindanao.
Trong khi đó, theo bản tin dự báo mưa giông, lốc xoáy và gió giật mạnh trên biển của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam, ngày 10.10, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.