Đến ngày 31-7, toàn bộ đèo Bảo Lộc đang phong tỏa để lực lượng chức năng xử lý hiện trường nhiều vụ sạt lở tại chốt CSGT trên con đèo này xảy ra vào chiều 30-7. Vụ việc này đã làm 3 cán bộ CSGT Trạm Madaguoi hy sinh, 1 người dân tử vong.
Phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Gia - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, vào sáng 31-7.
-Phóng viên: Thưa ông, tình hình xử lý hiện trường trên đèo Bảo Lộc hiện nay như thế nào? Có dự kiến thông suốt lại không?
+ Ông Nguyễn Văn Gia: Hiện nay quan trọng nhất lực lượng chức năng đang tập trung xử lý, dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở. Cơ quan chức năng của tỉnh sẽ đánh giá toàn tuyến, đặc biệt là những điểm nhạy cảm về sạt lở rồi mới có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc lưu thông.
- Vậy thưa ông, lộ trình nào có thể thay thế đèo Bảo Lộc cho xe lưu thông tạm thời?
+ Phương tiện từ hướng Đà Lạt đi TP HCM có thể ra ngã 3 Lộc Sơn rẽ phải đi huyện Bảo Lâm, lên đèo Con Ó (Quốc lộ 20) về Đạ Tẻh, Đạ Huoai rồi lưu thông TP HCM.
Còn hướng từ TP HCM lên Đà Lạt có thể di chuyển theo hướng Đạ Huoai tới Đạ Tẻh, lên đèo Con Ó vào huyện Bảo Lâm ra ngã 3 Lộc Sơn rồi Đà Lạt. Hiện tại hướng lưu thông thay thế này, có xảy ra điểm sạt lở nhỏ nhưng không xảy ra ùn tắc, lưu thông được.
- Vậy còn hướng từ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đi Lâm Đồng như thế nào?
+ Từ Phan Thiết có thể đi theo Quốc lộ 28 và 28B. Còn Quốc lộ 55 đang có hiện tượng ngập và sạt lở nên chưa thể lưu thông an toàn được.
Trước đó chiều 30-7, đèo Bảo Lộc xảy ra nhiều vụ sạt lở đất. Nhóm cán bộ CSGT Trạm Madaguoi trong lúc có mặt tại chốt trực trên đèo Bảo Lộc thì xảy ra sạt lở vùi lấp 3 cán bộ CSGT cùng người dân tên Ngọc Anh.
Đến tối cùng ngày, thi thể 3 cán bộ CSGT và người dân được lực lượng cứu hộ tìm thấy.
Trường Nguyên, Lê Duy