Giá xăng dầu hôm nay (5/2/2025): Xăng trong nước đồng loạt giảm

Giá xăng dầu thế giới đang trên đà sụt giảm khi lượng tồn kho xăng và dầu tại Mỹ tăng đột biến. Trước diễn biến này, giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay 5/2/2025

Giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước ngày 5/2 được niêm yết cụ thể như sau:

  • Xăng E5 RON 92: Không quá 20.391 đồng/lít
  • Xăng RON 95-III: Không quá 21.002 đồng/lít
  • Dầu diesel: Không quá 19.246 đồng/lít
  • Dầu hỏa: Không quá 19.439 đồng/lít
  • Dầu mazut: Không quá 17.502 đồng/kg

Mức giá này sẽ được Liên Bộ Tài chính - Công Thương xem xét điều chỉnh trong kỳ điều hành giá ngày 6/2. Theo các tín hiệu từ thị trường quốc tế, giá xăng dầu thế giới đã có Xu hướng giảm trong tuần qua, do đó giá nhiên liệu trong nước cũng có thể tiếp tục được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành sắp tới.

gia-xang-dau-hom-nay-522025-xang-trong-nuoc-dong-loat-giam-1738723079.jpg
Giá xăng dầu hôm nay (5-2): Giảm bởi tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng mạnh (Ảnh: Sưu tầm)

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 1/2, giá các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt giảm:

  • Xăng E5 RON 92 giảm 201 đồng/lít
  • Xăng RON 95-III giảm 140 đồng/lít
  • Dầu diesel giảm 948 đồng/lít
  • Dầu hỏa giảm 671 đồng/lít
  • Dầu mazut giảm 250 đồng/kg

Nếu đà giảm của giá dầu thế giới tiếp tục duy trì, người tiêu dùng trong nước có thể kỳ vọng thêm một đợt giảm giá mới trong thời gian tới.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 5/2/2025

Giá dầu thế giới chốt phiên giao dịch ngày 4/2 theo hai chiều trái ngược, phản ánh những căng thẳng địa chính trị và thương mại toàn cầu. Đáng chú ý, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Washington chính thức áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh, kéo theo động thái đáp trả từ Trung Quốc. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tái khởi động chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran nhằm cắt giảm xuất khẩu dầu của quốc gia này về mức 0.

  • Giá dầu WTI giảm 46 cent (tương đương 0,63%), xuống còn 72,7 USD/thùng.
  • Giá dầu Brent tăng 24 cent (tương đương 0,32%), đạt 76,2 USD/thùng.

Ngay từ đầu phiên, giá dầu chịu áp lực giảm mạnh khi các biện pháp thuế quan mới của Mỹ đối với Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4/2, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu suy giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, dầu WTI đã có lúc giảm hơn 3%, chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2024.

Theo Reuters, trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Trump đã ký một bản ghi nhớ yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Iran, nhằm gây sức ép tối đa lên ngành dầu mỏ nước này.

Iran hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sản lượng khoảng 3,3 triệu thùng/ngày, chiếm 3% sản lượng toàn cầu.

Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định: “Sự trả đũa từ Trung Quốc khiến giá dầu rơi xuống gần mức thấp nhất trong biên độ giao dịch, nhưng lệnh trừng phạt Iran lại kéo giá dầu lên do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng.”

Trong một diễn biến khác, ngày 3/2, ông Trump đã đồng ý tạm hoãn áp thuế cao đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, đổi lại những nhượng bộ từ hai nước này liên quan đến vấn đề kiểm soát biên giới và tội phạm.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu. Nhà phân tích Kelvin Wong tại OANDA cảnh báo: “Bắc Kinh có thể không chỉ đáp trả bằng mức thuế 10% đối với dầu thô Mỹ, mà còn có thể chủ động làm suy yếu đồng nhân dân tệ nếu Washington tiếp tục áp thêm thuế với hàng xuất khẩu Trung Quốc.”

Nếu kịch bản này xảy ra, đồng USD sẽ mạnh lên, từ đó gây áp lực giảm giá dầu, bởi giá dầu thường có xu hướng biến động ngược với đồng bạc xanh. Trong khi đó, OPEC+ vẫn đang duy trì kế hoạch tăng nguồn cung dầu từ tháng 4, có thể khiến thị trường chịu thêm áp lực nguồn cung dư thừa.

Báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 24/1, lượng tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 5,025 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng cũng tăng mạnh 5,426 triệu thùng. Điều này càng làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung dư thừa có thể khiến giá dầu chịu áp lực giảm trong thời gian tới.

Dữ liệu hải quan cho thấy, trong năm 2024, dầu thô Mỹ chỉ chiếm 1,7% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh có thể dễ dàng điều chỉnh nguồn cung từ các thị trường khác nếu căng thẳng với Mỹ tiếp tục leo thang.

Với những yếu tố địa chính trị và kinh tế đan xen, giá dầu thế giới trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục có những biến động khó lường.