Gửi tiết kiệm biến thành mua bảo hiểm nhân thọ: Bảo hiểm trả lại tiền

Người dân khi tới ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, tất toán thì được nhân viên tư vấn gói tiết kiệm lãi suất cao. 2 năm sau, họ mới nhận ra rằng mình đã ký vào hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

Ngồi trong căn nhà tập thể cũ kĩ, chật chội tại Nam Đồng (Hà Nội), nhắc tới bảo hiểm Tâm An đầu tư của Công ty Bảo hiểm Manulife, bà Vũ Thị Hằng (69 tuổi) cho hay, tháng 7/2020, khi đến phòng giao dịch một ngân hàng ở Hà Nội tất toán sổ tiết kiệm, bà được nhân viên tư vấn có gói tiết kiệm ưu đãi “Tâm an đầu tư” với lãi suất cao, khoảng 10%/năm. Linh hoạt rút sau 1 năm, thời hạn gửi 6-7 năm. Thấy tư vấn hợp lý, bà Hằng đã gửi 120 triệu đồng.

Hơn 1 năm sau, khi được thông báo đã có lãi, bà đến rút thì nhận được 27 triệu đồng lãi. Lãi suất cao, thủ tục dễ dàng khiến bà Hằng lập tức tin tưởng “mở hầu bao” đóng thêm 160 triệu đồng vào hợp đồng số 29522032xx. Đến tháng 4/2021, ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm thứ 2 và tiếp tục được tư vấn như lần đầu. Thấy đơn giản, bà Hằng nộp thêm 140 triệu đồng. Hai hợp đồng bảo hiểm bà đóng là 429 triệu đồng. Do bà tuổi cao, có bệnh nền, không đủ điều kiện đứng tên 2 hợp đồng, nhân viên tư vấn hướng dẫn bà Hằng ghi người nhận là tên 2 con gái. Do con gái bà sống tại TP Hồ Chí Minh nên nhân viên tư vấn đã “thay mặt” con gái bà ký để hợp thức hóa hồ sơ.

Ngày 16/9, hơn 20 khách hàng bị tư vấn thông tin sai lệch, mua bảo hiểm đã đến báo Tiền Phong phản ánh. Ông Phạm Ngọc Giao (Hà Nội) cho biết, nhân viên đã tư vấn sai, khiến chúng tôi hiểu nhầm giữa tham gia hợp đồng bảo hiểm và gửi tiết kiệm lãi suất cao.

“Họ đã chiêu dụ bằng lãi suất, giới thiệu gửi tiền với lãi suất 10-12%/năm. Nhân viên tư vấn nói không rõ đây là hợp đồng đầu tư có bảo hiểm nhân thọ; chỉ nói chia thành 2 tài khoản, làm cho tôi nghĩ rằng, giống tiết kiệm như thông thường”, ông Giao nói và cho biết, sau một năm, ông cùng nhiều người nhận được thông báo đóng phí, lúc đó mới người dân vỡ lẽ đã mua hợp đồng bảo hiểm.

bao-hiem

Một người dân đã nhận lại được tiền. Ảnh: PV

Không chỉ tư vấn sai lệch về hợp đồng BHNT, nhiều người cho biết, hợp đồng còn lệch thông tin. Đơn cử, bà Đinh Thị Thúy Vinh (57 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) dù sống bằng lương hưu nhưng nhân viên tự ý ghi thu nhập hằng tháng của bà Vinh tới 200 triệu đồng... Bà Đặng Kim Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ở nhà nội trợ, không có lương hưu chỉ có số tiền tiết kiệm dưỡng già 100 triệu đồng cũng bị nhân viên tư vấn ghi khống thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Trả tiền cho người dân

Trước thực tế đó, nhiều người dân gửi khiếu nại tới Manulife về sự mập mờ của tư vấn viên khi tư vấn người gửi tiết kiệm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời khiếu nại một số khách hàng, Manulife cho biết, khách hàng đã ký đồng ý vào bảng tư vấn đồng ý nên công ty không hoàn phí lại.

Tại văn bản gửi chị Trương Mỹ Trúc Ngân (TPHCM), Manulife cho biết, chị Ngân đã ký tên trên đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ và bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm. Đây là cơ sở để bên bảo hiểm xét cấp hợp đồng. Vì vậy, Manulife không có cơ sở hoàn lại phí bảo hiểm. Trong khi đó, theo phản ánh của chị Ngân, thông tin trong bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm do nhân viên tự điền vào. Khi gửi tiết kiệm, chị Ngân chỉ ký tờ giấy trắng, không được xem hợp đồng như khi nhận được. Chị Ngân đã gửi khiếu nại tới. Tuy nhiên, đến nay chị Ngân vẫn chưa được hồi âm.

Đại diện một trong những ngân hàng có sản phẩm liên kết cho hay, đã phối hợp tiếp nhận khiếu nại của người dân để có trách nhiệm xử lý các trường hợp đòi tiền. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Manulife Việt Nam cho biết, đã tiếp nhận khiếu nại của hơn 60 người và sẽ giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), người dân khi ký hợp đồng cần đọc kỹ nội dung thông tin. Trường hợp, giao dịch viên ngân hàng tư vấn chưa rõ, nếu khách hàng khiếu nại cần trao đổi thẳng thắn. Việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Vì vậy, trường hợp còn tranh luận lỗi từ phía khách hàng hay giao dịch viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm cần có trao đổi cụ thể.

Ngày 21/9, nhiều người dân từng phản ánh với Tiền Phong việc gửi tiết kiệm bị ký thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho biết, họ đã được Manulife hủy hợp đồng và nhận lại số tiền đã gửi tiết kiệm.