Khả năng xuất hiện bão mạnh năm 2025

Đại diện cơ quan khí tượng đã có những cảnh báo ban đầu về các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2025 như bão mạnh, mưa lớn cục bộ.
kha-nang-xuat-hien-bao-manh2-1737799672.jpg
Vị trí và đường đi của bão số 3 lúc 8h ngày 5.9.2024. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai năm 2024 tại Việt Nam diễn ra rất cực đoan với 21/22 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, rét đậm, rét hại, nắng nóng diện rộng, mưa lớn diện rộng, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...).

Trong đó, ghi nhận 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước; 18 đợt không khí lạnh; 19 đợt nắng nóng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng; 14 đợt lũ; 39 đợt lũ quét, sạt lở đất.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để đánh giá về quy mô thiên tai năm 2024 và nhận định xu thế 2025.

kha-nang-xuat-hien-bao-manh1-1737799672.jpeg
PGS.TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá quy mô thiên tai năm 2024. Ảnh: An An

Thưa ông Mai Văn Khiêm, dưới góc độ khí tượng thủy văn, ông đánh giá như thế nào về tính chất và quy mô của các đợt thiên tai trong năm 2024?

- Tình hình nóng lên toàn cầu là một trong những yếu tố chính làm cho thời tiết, khí hậu và thiên tai trên toàn cầu, cũng như ở Việt Nam trở nên bất thường và khác biệt.

Tôi xin dẫn chứng về tính chất và mức độ, quy mô không gian, thời gian như thế này: Ngay từ đầu năm 2024, chúng ta đối mặt với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (mặc dù không đến mức khắc nghiệt như 2015 - 2016, 2019 - 2020) nhưng nó cũng tác động ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như sinh hoạt, đời sống của bà con.

Sau đó, chúng ta đã chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài 70 ngày ở khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ vào khoảng tháng 3 - tháng 4. Tháng 4 ghi nhận nhiệt độ cao nhất lên đến 44 độ C ở Quảng Trị vượt mức kỷ lục.

Tháng 8 thông thường là tháng có nhiều bão hoạt động nhất nhưng tháng 8 năm 2024 gần như không có bão hoạt động trên Biển Đông.

Về số lượng bão năm 2024 ghi nhận 10 cơn bão - số lượng không nhiều nhưng tính cực đoan thể hiện rất rõ như bão số 3 Yagi. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Ðông và trong 70 năm qua đổ bộ trên đất liền nước ta.

Những người làm công tác khí tượng thủy văn như chúng tôi trong rất nhiều năm qua mới chứng kiến một cơn bão có quy mô tính chất khủng khiếp như vậy. Cơn bão đã cho thấy tính chất khác thường, cực đoan đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Vậy khó khăn trong dự báo thiên tai, đặc biệt là dự báo mưa hiện nay đang như thế nào, thưa ông?

- Liên quan đến công tác dự báo thiên tai thì không phải chỉ Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới vẫn rất gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là dự báo thiên tai xảy ra nhanh trong phạm vi hẹp. Ví dụ như những đợt mưa lớn cục bộ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn (1 - 2 tiếng trên phạm vi hẹp). Loại thiên tai này là thách thức đối với Công nghệ dự báo hiện nay.

Chúng tôi sẽ chú trọng cải thiện công nghệ, tăng cường đan dày mạng lưới quan trắc; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân địa phương để khi có thiên tai, có bản tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời có phương án đề phòng, tránh được thiệt hại do thiên tai.

Thưa ông, dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 sẽ có diễn biến như thế nào và cần lưu ý điều gì?

- Điều gần như chắc chắn là trong bối cảnh nền nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng thì trong những năm tới, các đợt nắng nóng sẽ ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn.

Thứ hai là chúng ta cũng gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều đợt mưa lớn, đặc biệt là mưa lớn cục bộ ở khu vực vùng núi, đô thị. Hệ quả liên quan là lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị.

Thứ ba là những cơn bão mạnh và siêu bão xác suất khả năng xuất hiện càng nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!