Tối giản từ những vật dụng cần thiết trong đời sống sinh hoạt cho tới suy nghĩ và những mối quan hệ xã hội... là bí quyết của bà mẹ đơn thân 9x Hà Nội. Sống tối giản giúp cô tiết kiệm tiền bạc và cảm thấy hạnh phúc.
Sống tối giản còn gọi là Danshari hay Minimalism có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Danshari gồm ba ký tự Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa) tương ứng với 3 ý nghĩ về cách sống tối giản. Đó là từ chối, buông bỏ những vật dụng không cần thiết - Vứt bỏ hết những thứ không cần thiết trong ngôi nhà và tránh xa những cám dỗ mua sắm vật chất.
Các chuyên gia phong cách sống cho rằng, chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc. Khi mới chào đời, bất cứ ai đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình.
5 bí quyết sống tối giản của bà mẹ đơn thân
Lối sống tối giản hiện đang được người dân nhiều nước khác trên thế giới yêu thích và áp dụng theo. Người Việt chịu ảnh hưởng bởi phong cách này từ năm 2017. Rất nhiều chị em phụ nữ chọn cho mình lối sống tối giản bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại về cả vật chất và tinh thần. Chị Hạnh Trần (Hà Nội) một bà mẹ đơn thân khoảng 30 tuổi tại Hà Nội lựa chọn cách sống tối giản sau khi gặp phải biến cô gia đình.
Chị cho biết, bản thân mình vốn là người hướng nội, thích cách sống đơn giản nhưng chỉ là chưa định hình rõ ràng phong cách. Do đó, nhiều khi chị vẫn bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh và ý kiến của những người xung quanh. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ gần 2 năm nay.
Bà mẹ đơn thân nói đang thực sự cảm thấy thoải mái với những thứ đang có ở hiện tại. Mỗi người có thể chọn những cách khác nhau để áp dụng sự tối giản vào cuộc sống của mình. Với Hạnh, chị định nghĩa sống tối giản không có nghĩa là xuề xòa hay khổ hạnh, không dám mua sắm gì. Thay vào đó, người ta ưu tiên những vật dụng thật sự cần thiết và phù hợp với mình nhất, buông bỏ bớt những thứ không cần thiết với mình. Sau đây là 05 bí quyết sống tối giản của chị Hạnh Trần.
Tối giản những vật dụng cần thiết
Thứ nhất, tối giản từ những vật dụng trong cuộc sống. Đối với các vật dụng cá nhân như quần áo, trang sức, giày dép, Hạnh chỉ ưu tiên những gì đơn giản nhất, có thể dễ kết hợp và sử dụng nhiều lần trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ, chị chỉ mua những quần áo đem lại cảm giác hạnh phúc mỗi khi chị khoác lên người. Đó có thể là những trang phục cơ bản, không bao giờ lỗi mốt.
Trong tủ quần áo của chị có tới 70% trang phục có màu trung tính như trắng, đen, nude. Còn lại chỉ 30% trang phục có hoa văn màu sắc nổi bật để thay đổi cho đỡ nhàm chán. Với chị, thời trang là sự quay vòng của các kiểu dáng, nhà thiết kế thời trang chỉ biến tấu, kết hợp các loại với nhau để ra 1 kiểu mới ứng dụng trong một thời gian.
Đối với trang sức, chị luôn có 1 bộ gồm dây chuyền, vòng tay, nhẫn, hoa tai để kết hợp cùng trang phục. Với mỗi bộ trang phục chị sẽ chỉ kết hợp 1-2 món. Chị ưu tiên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, hạn chế sử dụng mỹ phẩm trang điểm. Trong tủ mỹ phẩm của chị có 1 lọ nước hoa, 1 lọ tẩy trang, 1 lọ nước hoa hồng, 1 lọ serum dưỡng da, 1 lọ kem chống nắng, 2 thỏi son. Sữa rửa mặt, sữa tắm kem dưỡng, dầu gội vẫn có. Tuy nhiên,chị chỉ dùng dầu gội 1-2 lần/tuần còn lại đa phần gội bằng chanh.
Bà mẹ đơn thân tối giản hết sức các vật dụng
Với giày dép chắc chắn phải có cả mùa đông và hè. Thật khó tin khi cả giá giày dép của người phụ nữ này chỉ có 5 đôi cả giày và dép. Mùa hè chị có 1 đôi đen bệt hoặc cao, 1 đôi màu nude 5 phân, 1 đôi tông. Mùa đông chị có 1 đôi boots và 1 đôi thể thao. "Là con gái dù tối giản thì cũng không thể chỉ có 1 đôi giầy đi quanh năm được, chúng ta vẫn cần loại cao thấp để phù hợp cho đi làm, đi chơi", chị Hạnh chia sẻ.
Tương tự, chị chỉ có 1 cái ba lô, 1 túi đeo chéo, 1 ví, 1 clutch cầm tay là tự mình sắm. Bà mẹ trẻ không nhuộm tóc bao giờ, chỉ thỉnh thoảng chị cắt ngắn hoặc làm xoăn để thay đổi phong cách. Khi thì để tóc bob ngang vai, tóc tém hoặc có đợt làm xoăn.
Trong nhà, các món đồ dùng sinh hoạt của chị Hạnh cũng hết sức cơ bản. Chị thậm chí không dùng tivi. Nhà cửa trang trí nội thất vô cùng đơn giản bằng tủ 2 cánh để quần áo, có giát giường hộp để trải nệm ngủ và một vài món đồ trang trí cần thiết cho sinh hoạt, kích thước nhỏ. Trong ăn uống hàng ngày, bà mẹ trẻ không bao giờ tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh. Thay vào đó, chị sử dụng thực phẩm tươi hàng ngày, ăn nhiều rau xanh hơn ăn thịt và rất ít khi đi ăn ngoài quán.
Tối giản trong suy nghĩ
Bí quyết thứ hai tối giản trong suy nghĩ và chọn lọc thông tin từ bên ngoài. Suy nghĩ đơn giản của chị Hạnh thể hiện ở chỗ, chị không can thiệp vào cách sống, cách nghĩ của người khác. Tham gia mạng xã hội đầy rẫy nhưng rắc rối và thông tin trái chiều, chị chỉ chọn tiếp thu các thông tin hữu ích có lợi cho cuộc sống, công việc của mình. Bên cạnh đó, chị thường xuyên đọc các cuốn sách về tâm lý - kỹ năng sống để truyền năng lượng tích cực cho mình.
Sống tối giản giúp chị tiết kiệm tiền bạc và sống thanh thản
Tối giản trong các mối quan hệ
Bí quyết thứ ba, tối giản trong các mối quan hệ. Ai cũng có gia đình riêng và với chị Hạnh, đó là việc chăm sóc bố mẹ anh chị em ruột và đứa con của mình. "Mình chỉ giữ lại những mối quan hệ phù hợp với bản thân. Trong cuộc sống của mình có 3 người bạn thân mà mình có thể ngồi chia sẻ hết mọi vấn đề trong cuộc sống, chỉ ngồi nghe - chia sẻ - không có góp ý nên thế này thế kia", chị tâm sự.
Tối giản trong các hoạt động vui chơi
Bí quyết thứ tư tối giản trong hoạt động vui chơi, giải trí. Hạnh thuộc tuýp người du lịch trải nghiệm để tự mình khám phá những vùng đất mới chứ không phải kiểu du lịch nghỉ dưỡng tại những khách sạn, resort sang trọng. Chị thích tới những nơi hoang sơ để tự tay tìm hiểu và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi. Đây là một người phụ nữ rất ít khi ra rạp xem phim, không uống trà sữa, đồ uống có ga... nhưng vẫn sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động trải nghiệm, khám phá.
Tối giản trong đi lại
Bí quyết thứ năm, tối giản trong đi lại. Hạnh thích đi bộ hoặc phương tiện công cộng nhưng vì ở Hà Nội thời gian chờ xe buýt quá lâu nên chị buộc phải sử dụng xe máy để đưa con đi học mỗi ngày. Sắp tới chị dự định chuyển sang dùng xe máy điện cho thân thiện môi trường.
Sống tối giản mang lại lợi ích gì?
Hạnh cho rằng lối sống cô lựa chọn không giống hoàn toàn như những gì mọi người vẫn thấy qua sách, ảnh. Đó không phải kiểu sống tu hành hay của những người độc thân với căn nhà trống không có đồ đạc, chỉ có 3-5 bộ quần áo, 1-2 đôi giầy, 1 ít đồ sinh hoạt…
Cuộc sống của cô tối giản không chỉ là vật chất bên ngoài mà còn tối giản cả về mặt tinh thần và các mối quan hệ xã giao bên ngoài nữa. Nhiều người có cái nhìn tiêu cực về phong cách sống mà Hạnh lựa chọn.
Tuy vậy, bà mẹ trẻ đã tối giản cả suy nghĩa nên "đã 2 năm nay đã không còn bị lời nói làm lay động cách sống nữa". Gần như cô không còn bận tâm bởi những lời gièm pha. Người phụ nữ tối giản này tự nhận, bản thân mình không thiệt thòi hơn các chị em khác mà đôi lúc còn thấy may mắn hơn vì không phải mất quá nhiều thời gian đi mua sắm, rồi mất thời gian chọn quần áo hàng ngày, không lo cuối tháng hết tiền sinh hoạt, trả nợ thẻ tín dụng…
Với chị Hạnh, lối sống tối giản đã đem lại nhiều giá trị thiết thực. Đó chất lượng cuộc sống được cải thiện khi chị biết hạnh phúc là đủ đầy, cảm thấy vui vẻ khi cân bằng giữa các nhu cầu vật chất, tinh thần, để dành thời gian cho bản thân.
Sống tối giản giúp bà mẹ trẻ tiết kiệm tiền thậm chí rất nhiều tiền vì không mua đồ linh tinh, chỉ lựa chọn các món đồ thiết thực nhưng chất lượng để sử dụng lâu dài, lại còn bảo vệ môi trường. Hạnh nói chị rất tâm đắc với những gì mình đang có. Chị có thời gian dành cho con nhiều hơn. Chi tiêu hàng thàng cũng dư dả hơn khi trừ các chi phí cần thiết như thuê nhà, tiền ăn uống, tiền học cho con, tiền hiếu hỉ... tầm từ 8-10 triệu/tháng thì vẫn có tiết kiệm và khoản đầu tư để có nguồn thu nhập thụ động.
Trong các mối quan hệ xã hội, chỉ chị ưu tiên người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết để tránh lãng phí thời gian vô bổ. Tất cả những điều đó giúp chị trở thành một người tử tế, sống bình an và hạnh phúc. Cuộc sống với Hạnh như vậy là tạm ổn và an bình lắm rồi.
Hà Ly (t/h)