Mua, bán, cho thuê thông tin cá nhân mở tài khoản ngân hàng có thể lãnh 7 năm tù

Hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn số tài khoản ngân hàng cho đối tượng khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù.

Báo VTC đưa tin, tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM chiều 30/3, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện đang có tình trạng kẻ gian lợi dụng kinh tế khó khăn, lôi kéo dẫn dụ người dân sử dụng thông tin, giấy tờ cá nhân đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Sau đó mỗi tài khoản này sẽ được các đối tượng thu mua lại với giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Phần lớn, các đối tượng chủ mưu các đường dây lừa đảo là người nước ngoài, cấu kết với các đối tượng người Việt Nam phân công việc tìm người cung cấp số tài khoản để nhận tiền lừa đảo, mỗi số tài khoản thuê thì đối tượng trả công từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng.

Thượng tá Hà cho biết, có trường hợp đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để làm giả CMND/CCCD phục vụ cho việc đăng ký mở tài khoản với mục đích lừa đảo. Khi có những vụ việc xảy ra, qua xác minh, làm việc chủ đăng ký tài khoản mới nhận biết được là đối tượng thay đổi hình ảnh trên CCCD/CMND để đăng ký; người bị sử dụng thông tin cá nhân chưa từng mở tài khoản ngân hàng lần nào.

"Những kẻ lừa đảo yêu cầu người bán tài khoản gửi qua đường xe khách, bưu điện đến địa điểm cung cấp, hoàn toàn không gặp mặt trực tiếp. Đa phần những người được thuê mở tài khoản vì hoàn cảnh khó khăn, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật. Có trường hợp sử dụng thông tin cá nhân của người khác để làm giả CMND/CCCD phục vụ cho việc đăng ký mở tài khoản với mục đích lừa đảo", Báo VTC dẫn lời Thượng tá Hà.

thaibinhdanhbacm

Loạt tang vật trong vụ triệt phá đường dây mua bán tài khoản ngân hàng. Ảnh: Công an Thái Bình

Công an TP.HCM còn cho biết, việc mua bán, cho thuê, cho mượn số tài khoản ngân hàng cho đối tượng khác lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi trên sẽ bị xử lý hình sự về tội "Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng" với mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng (theo khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP); truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng với mức phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm (Điều 291 – Bộ luật hình sự).

"Người dân cần nhận thức rõ việc sử dụng thông tin cá nhân của bản thân để mở tài khoản ngân hàng sau đó mua bán, cho thuê, mượn là vi phạm pháp luật và có thể liên đới về việc xem xét xử lý hình sự nếu biết mà không tố giác, tố cáo hoạt động mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của đối tượng khác, gây hậu quả nghiêm trọng", thượng tá Hà thông tin thêm.

Theo VTV, Bộ Công an, Công TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố danh sách các số tài khoản ngân hàng liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân phòng tránh. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền chỉ là một phần trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Việc phối kết hợp giữa cơ quan Công an với các ngân hàng vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Khi nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền vào các số tài khoản đối tượng cung cấp, người dân thường đến ngay ngân hàng do mình mở tài khoản yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản hoặc chặn việc giao dịch. Nhiều ngân hàng yêu cầu phải có công văn của cơ quan công an yêu cầu thì mới xử lý được.

Công an TP.HCM cũng nêu đề xuất cần thắt chặt việc người dân ngồi tại nhà vẫn đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, bởi điều đó ẩn chứa nhiều nguy cơ đối tượng lợi dụng sử dụng thông tin cá nhân giả để đăng ký.

Trong giai đoạn hiện nay, theo hướng để thanh toán hiện đại hóa, các ngân hàng đua nhau mở rộng mô hình quảng cáo đăng ký mở tài khoản online, nhiều nhân viên thẩm định, duyệt ngân hàng do chạy theo chỉ tiêu kinh doanh đồng thời tạo điều kiện cho tội phạm ngày càng được "số hóa".

Vân Anh (T/h)