Nghỉ hưu trước tuổi để tinh giản có được hưởng lương hưu mức tối đa?

Công chức, viên chức, người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng đồng thời điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu.

Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 20 năm đóng.

Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị giảm 2%.

Như vậy, để được hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa là 75% thì lao động nam cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 35 năm và lao động nữ cần đóng 30 năm.

nghi-huu-truoc-tuoi-de-tinh-gian-co-duoc-huong-luong-huu-muc-toi-da-1738747977.jpg
Nghỉ hưu trước tuổi để tinh giản có được hưởng lương hưu mức tối đa? (Ảnh: Sưu tầm)

Theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nghỉ hưu trước tuổi do tinh giảm biên chế thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu.

Do đó, trong trường hợp người lao động có đủ năm đóng bảo hiểm xã hội là đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nữ và 35 năm đối với nam thì sẽ được hưởng 75%.

Như vậy, trong trường hợp người lao động xin nghỉ hưu sớm (kể cả người lao động thiếu 10 năm tuổi đời) theo diện tinh giản biên chế của Nghị định 178/2024/NĐ-CP thì vẫn sẽ được xét cho nghỉ hưu sớm và không bị trừ % theo tuổi đời.

Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì mới được hưởng đủ 75% lương hưu.

Theo Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP đối tượng được hưởng chính sách khi nghỉ hưu trước tuổi bao gồm:

Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp (sau đây viết tắt là sắp xếp tổ chức bộ máy) quy định tại Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức; Cán bộ, công chức cấp xã;

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15 tháng 01 năm 2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức;

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;

Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Về tuổi nghỉ hưu, theo quy định hiện hành, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, cụ thể như sau:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động đóng 20 năm bảo hiểm xã hội trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.

Năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng, còn với nữ là 56 tuổi 8 tháng.