Sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì Thúy Mỳ cũng vừa bước vào tuổi trăng rằm. Cuối năm 1965, nghe tin cha mình, ông Phạm Văn Lưu - người cán bộ Công an kiên trung chi viện cho Ban An ninh Thừa Thiên - Huế đã anh dũng hy sinh, Phạm Thị Thúy Mỳ quyết tâm xin ra chiến trường bảo vệ đất nước, trả thù cho cha.
Là chị cả của 4 đứa em thơ, trong khi mẹ thì luôn đau yếu, dù thương mẹ và các em vô cùng, nhưng vì muốn trả nợ nước, trả thù cho cha nên cô gái trẻ Phạm Thị Thúy Mỳ vẫn tìm mọi cách để được ra tiền tuyến. Sợ lá đơn xin ra trận bị gạt, Thúy Mỳ liền chích tay lấy máu viết đơn tình nguyện và giả chữ ký của mẹ đồng ý cho Mỳ vào chiến trường miền Nam rồi gửi tới Công an huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Thấy hoàn cảnh gia đình Thúy Mỳ éo le, cha vừa hy sinh, mẹ đau yếu trong khi các em đều còn nhỏ, mọi người đắn đo nhưng Thúy Mỳ cứ một mực tha thiết lên đường nên cuối cùng tổ chức đành đồng ý.
Trở thành nữ chiến sĩ Công an, sau 1 năm được đào tạo nghiệp vụ, Thúy Mỳ cùng đồng đội được cử vào Ban An ninh Khu 5. Ngày lên đường cô bé Mỳ gầy nhẳng như cây sậy, đeo balo tài liệu nặng gần bằng trọng lượng cơ thể, hành quân lội suối, luồn rừng Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường đi gian nan vất vả, muỗi, vắt cắn khắp người khiến Mỳ nhiều phen lên cơn sốt rét, mọi người trong đoàn ai cũng thương. Cả đoàn thay phiên mang vác máy móc tài liệu hỗ trợ nhau, còn người khỏe cõng người ốm.
Đường rừng khó đi, trèo đèo, lội suối gian nan vất vả, nhưng trên đường đi còn phải khéo léo tránh những trận càn quét, bắn phá điên cuồng của địch nên phải mất ba tháng luồn rừng đằng đẵng Mỳ và đồng đội mới đặt chân tới đất Quảng Nam, rồi về Ban An ninh Khu 5. Đó là một trong những địa bàn gian khổ, ác liệt nhất lúc bấy giờ.
Bà Mỳ chia sẻ, thời điểm đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Là lính cơ yếu bảo mật, cô và đồng đội luôn phải làm việc giữa rừng để đảm bảo bí mật. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, nơi làm việc là đất, còn nơi ngủ là những chiếc võng, chiếc tăng căng giữa rừng già, quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời. Suốt nhiều tháng ròng rã chẳng có lấy một hạt gạo, hạt muối, chỉ có củ sắn, rau rừng, măng rừng lót dạ thay cơm. Thời tiết vào mùa hanh khô, nguồn nước cạn kiệt, khát đến cháy cả họng. Điện đài liên lạc bí mật không thể ở một nơi nào lâu được, để tránh sự phát hiện của địch, cứ hai tháng một lần bà và đồng đội lại phải hành quân, chuyển điện đài, máy móc trên vai đi tìm căn cứ mới. Đấy là chưa kể có những hôm, địch phát hiện ra trạm thông tin và rải bom càn quét.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, Thúy Mỳ đã bao lần may mắn thoát chết trong những giây phút cận kề, và cũng phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội bởi bom mìn của địch hay chết bởi rắn độc, lũ quét nơi nước độc, rừng thiêng. Nhưng gian khổ, hiểm nguy khi chứng kiến đồng đội hy sinh hay bị những cơn sốt rét ác tính hành hạ dường như khiến Thúy Mỳ càng thêm mạnh mẽ. Có những khi bom đạn địch vây ráp, phải di chuyển nơi làm việc, cõng những thùng tài liệu còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể chạy giặc, vậy mà cô Mỳ mảnh mai ngày ấy vẫn băng băng cõng những thùng tài liệu xuyên núi, xuyên rừng.
Bà Mỳ bùi ngùi kể về một kỷ niệm trong chiến trường: “Hôm ấy anh Nguyễn Văn Linh, quê ở Quảng Ninh đã sốt rét mấy ngày liền. Nhưng khi bất ngờ phải chuyển căn cứ, dù đang sốt nhưng anh Linh vẫn xung phong gùi tài liệu nặng trĩu trên lưng. Từ Bắc vào trong cứ đã hơn hai tháng nhưng đói và sốt rét triền miên, sức khỏe sa sút nhưng anh Linh vẫn không chùn bước. Khi hành quân qua suối, anh Linh bất ngờ trúng mìn ngã xuống rồi bị nước cuốn trôi. Nước suối ngầu siết khiến Mỳ và đồng đội tìm cả ngày trời vẫn không tìm thấy xác”.
Môi trường khắc nghiệt, muỗi rừng già nhiều, lại sống trong điều kiện thiếu thốn khiến cô gái trẻ Phạm Thị Thúy Mỳ bị nhiễm khuẩn, sốt rét liên miên, thân thể xanh như tàu lá. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người nữ trinh sát báo vụ An ninh Khu 5 trở về miền Bắc, tiếp tục cống hiến cho công tác đào tạo cán bộ thông tin cơ yếu của lực lượng CAND. Phạm Thị Thúy Mỳ trở thành cô giáo ở Khoa Mật mã, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an rồi lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc bên người đồng đội Nguyễn Ngọc Tâm, người đã từng cùng vào sinh ra tử cùng Thúy Mỳ trong cơn mưa bom, bão đạn chiến trường ngày ấy.
Bà Phạm Thị Thúy Mỳ cho biết, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với sự giúp đỡ của đồng đội và bà con nhân dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi cha bà đã bám trụ địa bàn công tác, chiến đấu năm xưa), gia đình bà Mỳ đã tìm được mộ phần của cha và di chuyển hài cốt cụ về quê hương thờ phụng. Lễ tang của liệt sĩ CAND Phạm Văn Lưu – cha của bà đã được Đảng bộ, chính quyền cùng đồng đội và gia đình, nhân dân địa phương tổ chức rất trọng thể.
Hôm nay đây, sau 48 năm, chiến tranh đã lùi xa, gặp lại người nữ chiến sĩ Công an chi viện chiến trường miền Nam Phạm Thị Thúy Mỳ năm nao, dù nay tóc đã bạc, di chứng chiến tranh để lại là những khối u, những cơn sốt rét rừng và bệnh tật giày vò, nhưng trong ánh mắt, nụ cười của bà, lòng lạc quan, tình yêu cuộc sống dường như vẫn ánh lên không bao giờ tắt.
P.Tâm