Năm 1991, vợ chồng ông Hòa (70 tuổi, quận Hai Bà Trưng) tích cóp được vài trăm nghìn đồng để mua lại chiếc xe máy xăng loại cũ, để chạy xe ôm chở đón khách quanh công viên Thống Nhất. Từ đó, người và xe cùng rong ruổi từ tờ mờ sáng đến lúc tối mịt trên khắp các cung đường của Hà Nội, để mưu sinh.
Vài năm gần đây, phần do sức khỏe đã kém, phần vì sự lên ngôi của các ứng dụng xe ôm Công nghệ, đặc biệt là tình trạng tắc đường giờ cao điểm trong nội thành Hà Nội nên ông Hòa nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Tuy nhiên, do cuộc sống của hai vợ chồng già giờ đây chủ yếu phụ thuộc vào 200.000 - 300.000 đồng tiền công chạy xe ôm mỗi ngày của ông Hòa.
Mới đây, khi nghe tin Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động của xe máy xăng tại các quận từ năm 2030, ông Hòa vừa mừng vừa lo.
Ông Hòa vừa mừng vừa lo khi nghe tin Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới cấm xe máy tại các quận từ năm 2030.
Mừng vì nếu hạn chế ô tô, xe máy xăng thì đường phố sẽ thoáng đãng, sạch sẽ và ít ùn, tắc đường giờ cao điểm hơn. Lo vì nếu hạn chế khu vực chạy xe máy xăng thì công việc xe ôm không còn đủ nuôi sống hai ông bà già.
Cùng chung nỗi lo với ông Hòa, anh Nguyễn Ngọc Dũng (45 tuổi, Hưng Yên) cho biết, gia đình 4 miệng ăn của anh chủ yếu trông chờ vào số tiền công 9 - 10 triệu/tháng từ việc đi giao hàng trong nội thành bằng xe máy. Nếu xe máy xăng bị hạn chế trong một số khu vực của nội thành Hà Nội thì cuộc sống của gia đình anh sẽ có thể khó khăn hơn.
“Phương án của thành phố chúng tôi vô cùng hoan nghênh vì nó thiết thực và cần thiết cho giao thông thông minh. Tuy nhiên, nếu cấm hay hạn chế xe máy xăng thì cần có phương án điều chỉnh phù hợp, để những người lao động phụ thuộc vào phương tiện này như chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều”, anh Dũng nói.
Phương Nam (26 tuổi, Hải Dương) cho rằng, việc cấm ô tô, xe máy xăng ở một số khu vực của Hà Nội là việc làm cần thiết để giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện theo giai đoạn để người dân điều chỉnh theo thời gian cho phù hợp.
Dự kiến, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).
5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm của Hà Nội gồm: Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, Xã hội và mật độ dân cư cao; khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông; khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học; khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện; khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.
Hiện nay, giao thông công cộng chưa phát triển đủ mạnh để thay thế xe máy, vì vậy việc cấm xe máy xăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân .
Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia về giao thông cho rằng, người dân cần có sự lựa chọn khi thành phố hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực nội đô. Phương tiện công cộng phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, thêm các tuyến xe buýt đi vào các phố nhỏ, các khu vực xa trung tâm; các dự án đường sắt trên cao cần sớm hoàn thiện...