Người đàn ông Hà Nội bị lừa mất gần 2 tỷ đồng trong 1 giờ như thế nào?

Khoảng 1 tiếng sau khi cài phần mềm do các đối tượng lừa đảo đưa, anh N. phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 1,8 tỷ đồng.

Ngày 6/8, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, cơ quan đã cảnh báo về thủ đoạn mạo danh cán bộ, nhân viên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gọi điện hướng dẫn người dân Cài đặt Phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID "giả mạo". Tuy nhiên, vẫn có nhiều người do chủ quan đã sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền lớn khi cài đặt phần mềm giả mạo này.

Mới đây nhất là vào ngày 02/8, Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy tiếp nhận tin trình báo của anh N (SN 1984; trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng. Theo anh N. kể lại hôm đó, anh có nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên Bảo hiểm xã hội yêu cầu cập nhập thông tin trên ứng dụng VssID. 

Do tin tưởng và mất cảnh giác nên anh N đã làm theo lời bọn chúng, tải phần mềm và đăng nhập theo đường link do đối tượng gửi. Sau đó anh N tiếp tục được hướng dẫn cập nhật vân tay, chụp ảnh khuôn mặt, chụp thẻ căn cước công dân gửi cho đối tượng. 

Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tiếng sau, anh N. phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 1,8 tỷ đồng. Phát hiện mình bị lừa, anh N đã đến cơ quan Công an trình báo.

Người đàn ông Hà Nội bị lừa mất gần 2 tỷ đồng trong 1 giờ như thế nào?- Ảnh 1.

Phần mềm BHXH giả mạo người dân tuyệt đối không cài đặt - Ảnh: Công an Hà Nội

Các đối tượng giả mạo cán bộ bảo hiểm xã hội, yêu cầu hỗ trợ cài đặt Phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID "giả mạo" chứa mã độc. Sau đó, bọn chúng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để chiếm đoạt,

CATP Hà Nội khuyến cáo người dân đặc biệt chú ý những vấn đề sau để tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo: 

Người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Đặc biệt không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.

Chỉ cài những phần mềm đã được cơ quan chức năng đã công bố trên webste chính thức của đơn vị. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.

Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm Công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh.

Mạo danh nhân viên EVN lừa nộp tiền điện

Thêm một thủ đoạn lừa đảo nữa mà gần đây nhiều người mắc phải cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực và yêu cầu khách hàng thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.

Sự việc xảy ra với nhiều khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thành phố Hạ Long – tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, một số người ở khu vực này cho biết, có đối tượng gọi điện thoại yêu cầu thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. Khi khách hàng từ chối, những đối tượng này ngay lập tức có thái độ khiếm nhã, sử dụng lời nói bất lịch sự với khách hàng, đe dọa cắt điện của khách hàng.

Người đàn ông Hà Nội bị lừa mất gần 2 tỷ đồng trong 1 giờ như thế nào?- Ảnh 2.

Người dân nghi ngờ lừa đảo nhân viên điện lực gọi ngay số 19006769 - Ảnh: Cổng TTĐTCP

Về vấn đề này, EVNNPC khẳng định ngành Điện tuyệt đối không sử dụng tài khoản cá nhân để thu tiền điện và khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng khi chưa được xác minh.

Đồng thời khi nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh nhân viên ngành Điện, khách hàng sử dụng điện cần thông báo đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng theo số điện thoại: 19006769 để được tư vấn, hỗ trợ (Điện thoại viên trực 24/7).