U22 Việt Nam có ngày thi đấu vất vả trước Lào. Ảnh: Quang Thịnh. |
Nhưng quá nhiều khó khăn đang hiện hữu buộc ông thầy người Pháp phải nói về chặng đường dài bằng những dự cảm bất an.
Bàn thắng và thế trận
U22 Việt Nam có 2 bàn thắng ở những phút đầu và cuối trận. Đó đều là những thời điểm quan trọng, mang tính định đoạt trận đấu. HLV Troussier tỏ rõ sự hài lòng khi những pha lập công của Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Quốc Việt tạo ra khác biệt so với đối thủ U22 Lào.
Không thể phủ nhận cả 2 bàn thắng của U22 Việt Nam đều đẹp và đẳng cấp. Quả đánh đầu của Văn Tùng là khoảnh khắc xuất thần cá nhân khi chọn điểm rơi, tranh chấp và tiếp bóng, trong khi cú đệm chéo góc của Quốc Việt là sản phẩm của một pha dàn xếp phản công hài hoà, chính xác đến từng cm.
Cả Khuất Văn Khang – người chuyền và Nguyễn Quốc Việt – người dứt điểm đều là những nhân sự vào sân từ ghế dự bị. Điều đó phần nào khẳng định dấu ấn chiến thuật từ băng ghế huấn luyện của thầy Troussier, đặc biệt trong bối cảnh U22 Việt Nam đang phải chịu sức ép khủng khiếp từ đối thủ và đã nhiều phen “hút chết”.
Tuy nhiên, khoảng thời gian sống trong sợ hãi ấy là một thứ hoài niệm về bóng đá mà người hâm mộ Việt Nam rất không muốn tái hồi. Đã 5 năm nay, ở các cấp độ đội tuyển thi đấu SEA Games, AFF Cup… dưới thời HLV Park Hang-seo, chúng ta tưởng đã có thể quên trạng thái phấp phỏng, âu lo khi thường xuyên đá “trên cơ” đối thủ.
Bây giờ thì trạng thái đó lại hiện về, khá rõ ràng và lặp đi lặp lại. Tất nhiên, U22 Lào của HLV Michael Weiss đang là một phiên bản rất khác so với chính họ trong quá khứ, nhưng điều đáng nói là U22 Việt Nam dù năm lợi thế về tỷ số, vẫn mắc nhiều lỗi sơ đẳng như mất bóng từ trung vệ, bị đánh lạc hướng khi kèm người, thua thiệt khi đấu tay đôi…
Nếu xét về thế trận, đội quân của ông Troussier vẫn nhỉnh hơn ở khả năng cầm bóng, tạo ra cơ hội. Nhưng chỉ trong 15 phút cuối trận, khi U22 Lào gia tăng nhồi bóng vào vòng cấm, họ đã nhanh chóng có được liên tiếp 3 tình huống mười mươi có thể ăn bàn. Michael Weiss không phải không có lý khi cho rằng các học trò của ông xứng đáng có ít nhất một trận hoà.
U22 Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Ảnh: Y Kiện. |
Với Troussier, bóng đá Việt Nam đang lùi để tiến?
Công bằng mà nói, HLV Philippe Troussier ngoài 3 điểm khởi đầu, chưa mang lại nhiều tin tưởng cho giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam. U22 Việt Nam chấm dứt chuỗi 5 trận giao hữu và đá tập toàn thua, nhưng cũng lâu lắm rồi, một đội bóng của chúng ta mới gặp khó khăn nhiều đến thế trước đối thủ Lào.
Khó khăn là tất yếu khi nhà cầm quân người Pháp tiếp quản từ thầy Park một di sản khổng lồ. Áp lực từ di sản ấy là quá lớn, còn lợi thế mà di sản ấy để lại thì đang ngày một nhạt nhoà. Chúng ta tạm chưa xét đến đội tuyển quốc gia, nhưng ở lứa tuổi U22, rõ ràng lực lượng trong tay ông Troussier đang có những bước lùi nhất định.
Lúc này, U22 Việt Nam đang phải chơi với những hậu vệ có chiều cao khiêm tốn nhất trong 5 năm trở lại. Nếu ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, chúng ta dư thừa những cầu thủ trên 1,85 m như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Đoàn Văn Hậu… thì hiện tại, cả hàng thủ của ông Troussier chỉ còn 2 “đỉnh” là Lương Duy Cương (1,81 m) và thủ thành Quan Văn Chuẩn (1,8 m). Các trung vệ khác như Phan Tuấn Tài chỉ cao 1,76 m, Vũ Tiến Long thậm chí 1,74 m.
Chiều cao là một chuyện, chất lượng chơi bóng còn là một vấn đề đáng lưu tâm hơn nữa. Phan Tuấn Tài khoác áo U23 của HLV Gong Oh-kyun chơi đầy sáng tạo khi được bám biên, nhưng bị co vào đá trung vệ lệch trái, anh chuyền hỏng nhiều hơn phát triển bóng dài. Vũ Tiến Long – cầu thủ từng sút tung lưới U23 Hàn Quốc năm 2022, bỗng trở nên vất vả và căng thẳng trước sức ép từ U22 Lào.
Năng lực đánh chặn của hàng tiền vệ cũng bị đặt dấu hỏi khi để khung thành của Văn Chuẩn bị đe doạ trực diện quá nhiều. Thể lực sa sút về cuối trận cũng là một nguyên nhân khiến U22 Việt Nam gặp khó khi kiểm soát bóng cũng như kiểm soát các đợt tấn công của đối thủ. Đấy cũng chính là nhược điểm lộ ra rõ nhất ở các trận thua tại Dubai Cup, mà sau 1 tháng, có vẻ chưa được cải thiện bao nhiêu.
Ông Troussier dĩ nhiên nhìn thấy những vết gợn phía sau 3 điểm mở màn. Một mặt bảo vệ các học trò trước sức ép từ dư luận, mặc khác, ông thừa nhận những ý tưởng, triết lý của mình cần thêm nhiều thời gian nữa, thậm chí cần thêm nhiều sự trả giá nữa, để có thể gặt hái được thành công nào đó.
Là người đến sau, ông Troussier không đi theo lối mòn của thầy Park. Cái riêng của ông Troussier, dễ định dạng nhất, chỉ có thể là phong cách chơi áp đặt, chủ động và lấy tấn công làm cảm hứng. Đấy cũng chính là cơ sở để ông thuyết phục LĐBĐVN lựa chọn mình cho một chiến dịch dài hơi: tiến vào World Cup.
Chỉ hiềm một nỗi, trong tay ông Troussier đang có quá ít bột để có thể gột thành một thứ hồ theo lý tưởng của ông. Khi U22 Việt Nam chưa chạm trán những đối thủ mạnh hơn và mạnh nhất như U22 Malaysia, U22 Thái Lan hoặc U22 Indonesia ở bảng còn lại, chúng ta đã ít nhiều dự cảm được sự trắc trở trên hành trình bảo vệ tấm huy chương vàng.