Quỹ bình ổn có để làm gì khi giá xăng dầu tăng 5 lần liên tiếp

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc không chi sử dụng quỹ bình ổn trong nhiều kỳ liên tiếp đặt ra vấn đề với nhà điều hành: Tại sao lại không sử dụng quỹ và liệu quỹ bình ổn xăng dầu có thực sự phát huy được hết vai trò kiềm chế đà tăng giá trong thời gian qua hay không?
Quỹ bình ổn có như không khi giá xăng dầu tăng 5 lần liên tiếp
Giá xăng dầu tăng 5 kỳ liên tiếp. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng rất sốc nhưng giảm rất chậm

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 21.8, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tăng lần lượt 610 đồng và 510 đồng một lít, lên mức tương ứng 23.339 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 24.601 đồng/lít với xăng RON 95. Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng trong vòng 2 tháng qua.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, Bộ Công Thương tiếp tục không thực hiện trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, đáng chú ý là cơ quan điều hành cũng dừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả việc dừng chi sử dụng quỹ với dầu mazut.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc không chi sử dụng Quỹ bình ổn trong nhiều kỳ liên tiếp đặt ra vấn đề với nhà điều hành: Liệu quỹ bình ổn xăng dầu có thực sự phát huy được hết vai trò kiềm chế đà tăng giá trong thời gian qua hay không?

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, xét giá xăng dầu ở thị trường Singapore từ ngày 23.6.2023 đến ngày 23.8.2023 thấy rằng, xăng dầu liên tục tăng giá; giảm chỉ mang tính thời điểm ngắn, tối đa là 3 ngày.

Trong đó, giá dầu diesel 0.05S-III và giá xăng RON 95-III luôn tiệm cận nhau ở phần nửa thời gian. Tuy nhiên, từ sau 19.7.2023, giá dầu tăng đột biến và luôn cách biệt lớn, đỉnh điểm là ngày 6.8.2023 lên đến 13 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu vẫn cao hơn xăng RON95-III khoảng 7 USD/thùng.

Biểu  đồ giá
Biểu đồ giá FLATTS Singapore từ ngày 23.6 - 23.8. Ảnh: Anh Tuấn

Theo ông Thắng, từ ngày 2.8 - 6.8.2023 là đỉnh tăng giá của dầu diesel trên thị trường quốc tế, điều này sẽ dẫn đến sự đột biến đối với giá dầu. Thực tế, kỳ điều chỉnh ngày 11.8.2023, giá dầu diesel đã tăng lên 1.810 đồng/lít.

Từ đỉnh giá ngày 11.8.2023, với mức giá trên 118,6 USD/thùng đến kỳ điều chỉnh ngày 21.8.2023, giá dầu diesel giảm còn 115.1 USD/thùng. Giá dầu diesel 0.05S-III đáng lẽ phải giảm giá ít nhất 670 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh 21.8.2023, nhưng thực tế, chỉ giảm 70 đồng/lít.

"Trong chu kỳ điều chỉnh giá nêu trên, giá PLATTS (giá xăng dầu thành phẩm được giao dịch thực tế trên thị trường Singapore) đối với DO 0.005S có chiều hướng giảm 0,4 USD/thùng, tương ứng giảm 0,36%, dẫn đến giá bán lẻ sau thời điểm 21.8.2023 giảm trên 63 đồng/lít.

Giá xăng dầu thế giới điều chỉnh theo ngày luôn phản ánh đúng quy luật thị trường. Nhưng quản lý điều hành theo chu kì như hiện tại của liên Bộ Công Thương - Tài chính, dù có giảm thời gian điều hành thì độ vênh về biểu hiện giá vẫn rất lớn", ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng). Ảnh: Như Ý
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng). Ảnh: Như Ý

Theo ông Thắng, giá xăng và dầu tại thị trường trong nước sau khi giảm thuế, phí và điều hành - trái ngược với thị trường quốc tế. Điều đó lý giải tại sao xăng, dầu Việt Nam tăng rất sốc, nhưng giảm rất chậm.

"Hiện tại, điều hành thị trường xăng dầu Việt Nam cần thay đổi tư duy, cách điều hành lỗi thời, thay vào đó điều hành bằng công cụ mới, hữu hiệu hơn, phản ánh thị trường chính xác hơn và tạo niềm tin, lòng tin đối với thị trường sắp tới", ông Thắng nói.

Quỹ bình ổn có còn tác dụng?

Một vị lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ khác cho rằng, hiện nay, việc chi sử dụng và trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu cũng không hợp lý.

Đồng quan điểm với ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp này, ông Thắng dẫn chứng thêm, theo công bố của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ ngày 14.2.2023 đến 1.8.2023, cơ quan điều hành không chi quỹ đối với các mặt hàng xăng E5 RON92, xăng RON 95, dầu diesel.

Từ ngày 1.8.2023 đến 11.8.2023, liên bộ chi quỹ 400 đồng/lít đối với dầu diesel, 300 đồng đối với dầu hỏa.

Từ 11.4.2023 đến 21.4.2023 chi quỹ 300 đồng/kg đối với dầu mazut. Từ 11.8.2023 đến 21.8.2023 chi quỹ 150 đồng/kg đối với dầu mazut.

Về trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu: Kỳ điều hành giá 21.6.2023 đến 3.7.2023, liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập 139 đồng/lít RON 95; 100 đồng/lít với dầu DO 005S; 100 đồng/lít với dầu hỏa và 100 đồng/kg với dầu mazut. Còn kỳ điều hành giá 1.8.2023 đến 11.8.2023, thực hiện trích lập 400 đồng/lít DO 0.005S

Như vậy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã không thực thi chức năng chi sử dụng trong suốt giai đoạn khoảng 2 tháng nay khiến giá xăng dầu tăng 5 lần liên tiếp.

“Theo tôi, quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay đã không còn là công cụ hữu hiệu để quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường như hiện nay.

Với lượng tồn quỹ trên 7.400 tỉ đồng (tương đương trên 300 triệu lít xăng dầu) hiện nay, đủ sức đáp ứng nhu cầu lưu thông tiêu dùng cho 4 ngày.

Do vậy, cần sử dụng một phần lượng dư tiền của quỹ để xây dựng kho dự trữ quốc gia để sử dụng khi thị trường có dấu hiệu dị biệt.

Nói một cách khách quan, hiện nay, Quỹ bình ổn xăng dầu là một loại quỹ không còn nhiều giá trị hiệu dụng, thậm chí vô tác dụng, có thể trở thành gánh nặng, hạn chế trong việc thúc đẩy thị trường phát triển. Cho nên, cần mạnh dạn khai tử quỹ này”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Cường Ngô