Rằm tháng Giêng 2025 rơi vào ngày nào Dương lịch?

Rằm tháng Giêng, tức ngày 15 tháng 1 Âm lịch, được xem là ngày rằm quan trọng nhất trong năm, còn được biết đến với tên gọi Tết Nguyên Tiêu. Vậy trong năm 2025, Rằm tháng Giêng rơi vào ngày nào theo Dương lịch?

Rằm tháng Giêng, còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên, là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam và nhiều quốc gia Á Đông. Ngày này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn là dịp để các gia đình sum họp, tri ân tổ tiên và cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

Rằm tháng Giêng 2025 là ngày nào Dương lịch?

Theo lịch Âm, Tết Nguyên Tiêu diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Năm Ất Tỵ 2025, ngày này sẽ rơi vào thứ Tư, ngày 12/2 theo Dương lịch.

Do Rằm tháng Giêng năm nay trùng vào giữa tuần, nhiều gia đình có thể không có đủ thời gian chuẩn bị lễ cúng đúng ngày. Vì vậy, việc dâng lễ trước một vài ngày cũng được xem là phù hợp. Thực tế, nhiều người lựa chọn cúng từ ngày 13 - 14 Âm lịch, thậm chí một số gia đình chuẩn bị lễ cúng từ ngày 11 - 12 Âm lịch.

Rằm tháng Giêng 2025 là ngày nào Dương lịch? (Ảnh chụp màn hình)

Rằm tháng Giêng 2025 là ngày nào Dương lịch? (Ảnh chụp màn hình)

Tên gọi "Nguyên Tiêu" xuất phát từ chữ Hán, trong đó:

  • "Nguyên" có nghĩa là khởi đầu, mở đầu.
  • "Tiêu" mang ý nghĩa là đêm, buổi tối.

Vì vậy, Tết Nguyên Tiêu chính là đêm rằm đầu tiên của năm mới Âm lịch, mang theo những ước vọng về một năm an lành, viên mãn.

Trong số các ngày rằm quan trọng, Rằm tháng Giêng được xem là đặc biệt nhất, chỉ sau Rằm tháng Bảy – ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Dân gian có câu: "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng", để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày lễ này trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Ý nghĩa của Tết Nguyên tiêu

Tết Nguyên Tiêu không chỉ đánh dấu sự khép lại của những ngày vui xuân, mà còn kết thúc không khí Tết rộn ràng, đưa mọi người trở lại với nhịp sống thường nhật. Trước khi chính thức bước vào guồng quay công việc, đây là dịp để gia đình, họ hàng quây quần bên nhau, thắt chặt tình thân, chia sẻ những lời chúc tốt đẹp và cầu mong một năm mới bình an, hanh thông.

Lễ cúng rằm tháng Giêng

Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sửa soạn mâm cúng để dâng lên thần linh, Thổ Công, Thổ Địa và đặc biệt là tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Đây là nghi lễ thiêng liêng, thể hiện lòng hiếu kính của con cháu đối với các bậc sinh thành, đồng thời bày tỏ sự tri ân trước sự che chở, phù hộ của bề trên. Không chỉ cầu mong sức khỏe, bình an, nhiều người còn gửi gắm hy vọng về một năm mới phát đạt, công việc thuận lợi và gia đạo yên ấm.

Giỗ họ và những cuộc đoàn viên ý nghĩa

Rằm tháng Giêng cũng là thời điểm quan trọng để các dòng họ tổ chức lễ giỗ họ. Con cháu từ nhiều nơi tụ hội, làm lễ dâng hương tổ tiên và cùng nhau quây quần bên mâm cỗ đoàn viên. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ nguồn cội mà còn là cơ hội để trao đổi những kế hoạch quan trọng của dòng họ, chia sẻ thành tựu của từng thành viên và cùng hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai.

Lễ chùa cầu an

Bên cạnh nghi thức cúng lễ tại gia, nhiều người còn dành ngày này để đi lễ chùa, đền, miếu, phủ… cầu nguyện cho gia đình mạnh khỏe, công việc thuận lợi, đất nước thái bình. Việc đi lễ đầu năm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn giúp mọi người tìm về chốn thanh tịnh, an yên sau những ngày hội xuân tưng bừng.

Một phần khiến Rằm tháng Giêng trở nên đặc biệt sôi động là bởi ngày này trùng với thời điểm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống trên khắp cả nước. Các hội làng, hội chùa, hội văn hóa dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng tại chùa. (Ảnh: Ngô Nhung)

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng tại chùa. (Ảnh: Ngô Nhung)

Không chỉ là một ngày lễ quan trọng, Tết Nguyên Tiêu còn là dịp để mỗi người nhìn lại những ngày đầu năm, chiêm nghiệm về những điều đã qua và hướng tới tương lai với nhiều hy vọng mới. Với ý nghĩa thiêng liêng, nhân văn và đậm đà bản sắc dân tộc, Rằm tháng Giêng thực sự là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt.