Vào lúc 9h sáng nay (30/12), ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số AQI đạt 240, vào mức ngưỡng tím, nguy hiểm cho sức khỏe. Theo sau là Baghdad (Iraq) và Dhaka (Bangladesh).
Nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI ở mức rất cao, vượt qua ngưỡng tím, bao gồm Quảng Bá (AQI 267), Hồ Tây (AQI 292), Vinhome Riverside (AQI 258), Cừ Khôi (Long Biên, AQI 253), Ciputra (Tây Hồ, AQI 257), Hoàng Quốc Việt (AQI 251). Đặc biệt, tại Quảng Khánh (Tây Hồ), chỉ số AQI đạt mức cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe, lên tới 340 - ngưỡng nâu.
Ứng dụng Pam Air cũng ghi nhận nhiều điểm đo với chất lượng không khí xấu, như huyện Đông Anh (AQI 269), Chùa Láng (Đống Đa, AQI 251), Đội Cấn (Ba Đình, AQI 285), Phú Đông (Ba Vì, AQI 242).
Theo các nghiên cứu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các cơ quan nghiên cứu khác, nguồn thải chính gây ô nhiễm PM2.5 tại Hà Nội chủ yếu là giao thông (chiếm 58-74%), tiếp đến là công nghiệp (14-23%), nông nghiệp (3,4-18,9%), và các hoạt động dân sinh, đốt rác (đóng góp ít hơn).
Để cải thiện tình hình, Hà Nội đã triển khai các biện pháp giảm phát thải từ giao thông, như tăng cường công tác rửa đường, cải thiện lưu thông bằng cách điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, thu phí phân vùng và xây dựng khu vực phát thải thấp. Thành phố cũng khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đang triển khai kế hoạch giảm thiểu xe máy.
Chú thích: AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. Các chỉ số trên 300 được coi là nguy hại cho sức khỏe, trong khi từ 0-50 thể hiện chất lượng không khí tốt.