Rạch Văn Thánh dài khoảng 1,5 km, từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy qua các phường 19, 21, 22, quận Bình Thạnh.
Đây là tuyến rạch có vai trò quan trọng trong việc thoát nước, giảm ngập cho khu vực nhưng bị lấn chiếm, bồi lấp và ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 19.12, mặt nước rạch đen kịt, mùi hôi thối từ rác thải sinh hoạt bốc lên nồng nặc, cùng với những tấm nệm lớn trôi lềnh bềnh.
Dọc bờ rạch là những căn nhà lụp xụp lợp tôn, vách gỗ, đóng cọc gỗ xiêu vẹo, đối diện với khu căn hộ cao cấp trên đường Ngô Tất Tố chỉ cách đó vài chục mét. Đi dọc rạch này là tuyến Metro số 1 sẽ vận hành chính thức ngày 22.12.
Bà Nguyễn Thị Liễu (62 tuổi) đã sinh sống tại khu vực này từ năm 1990. Căn nhà rộng 25 m2 của bà hiện là nơi ở của 5 thành viên, đầy ắp đồ đạc và chỉ còn lại một khoảng trống đủ cho mọi người ngồi.
Bà Liễu chia sẻ: "Dù đã nghe nói về việc di dời từ hơn 20 năm trước, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy gì. Mặc dù nhà đã bị hư hỏng, nhưng tôi cũng không dám sửa chữa vì sợ sắp tới lại phải di dời".
Con trai bà Liễu - anh Võ Tiến Phát (40 tuổi) - cũng cho biết, cuộc sống nơi đây thật sự không dễ dàng. Mùi hôi từ dưới rạch bốc lên khiến cả gia đình khó thở.
"Nhiều khi xác động vật trôi đến, bốc mùi suốt nhiều ngày liền, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình tôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải sống ở đây vì chưa có nơi nào khác để đi" - anh Phát nói.
Chứng kiến cảnh tượng nhếch nhác này, ông Nguyễn Đình Khánh (65 tuổi) - người đã sống tại đây suốt hơn 40 năm - kể lại: "Trước đây, rạch không ô nhiễm như bây giờ. Nhưng giờ rác thải từ các khu vực khác đổ về, cộng thêm ý thức của một bộ phận người dân thiếu trách nhiệm, khiến con rạch ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Nắng thì mùi hôi bốc lên, mưa hay triều cường thì rác tràn vào nhà, côn trùng khắp nơi".
Kể từ trước năm 2000, người dân khu vực đã nghe nói đến việc giải tỏa để thực hiện dự án cải tạo khu vực này. Nhưng mãi đến năm 2020, khi tuyến Metro số 1 gần hoàn thiện, họ mới được thông báo sẽ thực hiện giải tỏa và đền bù.
"Nhìn lên các tòa nhà cao tầng, rồi thấy tuyến Metro số 1 hoàn thành, tôi chỉ mong một ngày nào đó đời sống của người dân nơi đây được cải thiện. Chúng tôi mong muốn con rạch này được cải tạo, chỉnh trang đô thị, trả lại vẻ đẹp vốn có cho khu vực này" - ông Khánh Tâm sự.
Rạch Văn Thánh từng được TPHCM lên kế hoạch cải tạo nhưng nhiều lần trì hoãn. Vào năm 2003, thành phố dự định giải tỏa 820 căn nhà để chỉnh trang khu vực này, nhưng dự án lại bị tạm dừng.
Năm 2018, UBND TPHCM kêu gọi đầu tư cải tạo rạch lớn này với tổng kinh phí khoảng 1.800 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng kế hoạch lại gặp vướng mắc và phải chuyển sang hình thức đầu tư công.
Sở Xây dựng TPHCM đang đề xuất chi khoảng 6.100 tỉ đồng từ vốn ngân sách để cải tạo rạch Văn Thánh từ nay đến năm 2028.
Dự án sẽ di dời 1.063 hộ dân và giải phóng mặt bằng với chi phí khoảng 4.920 tỉ đồng. Rạch sẽ được nạo vét và xây dựng hệ thống giao thông hai bên với kinh phí khoảng 982 tỉ đồng.