Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, nhà sản xuất ô tô KG Mobility Corp mới đây cho biết đã tìm cách mở rộng hợp lý chiến lược, bao gồm cả việc mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam, sau khi tổ chức cuộc gặp gỡ với Kim Long Motor của Việt Nam, một công ty về ô tô của Tập đoàn Futa.
Buổi làm việc diễn ra tại Nhà máy Kim Long Motor tại Khu công nghiệp Huế, Việt Nam từ ngày 14 đến 15/11. Tham dự có Chủ tịch Tập đoàn KG Kwak Jae-sun, Giám đốc điều hành KGM Thương mại Kim Jong-hyun và Chủ tịch Nguyễn Hữu Luận của Tập đoàn Futa.
Trong cuộc họp, hai bên đã cùng khảo sát công trường xây dựng nhà máy Knocked-down (KD) của KG Mobility và xem xét các kế hoạch trong tương lai. Họ cũng thảo luận về chiến lược mở rộng thị trường Việt Nam bằng các mẫu xe Torres EVX và xe bu điện của của KG Mobility.
Vào tháng 3, KG Mobility đã củng cố giao diện toàn cầu của mình bằng cách ký hợp đồng KD với Kim Long Motor và đảm bảo đồng ý cung cấp tất cả các cơ sở sản xuất cần thiết.
Với mục tiêu đầy tham vọng là sản phẩm sản xuất 15.000 chiếc trong năm tới, KG Mobility đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 60.000 chiếc mỗi năm vào năm 2029, góp phần nâng cao doanh số bán hàng dự kiến lên 4,6 tỷ USD.
Dây chuyền sản xuất của KG Mobility tại Việt Nam dự kiến sẽ bao gồm các mẫu xe như Tivoli, Korando và Torres vào năm 2024, tiếp theo là Rexton hoàn toàn mới, Rexton Sports mới và Khan vào năm 2025.
Sự hợp tác giữa KG Mobiliti và tập đoàn Futa tại nhà máy Kim Long Motor đang được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho thị trường ô tô Việt Nam, đồng thời cho thấy Việt Nam đang trở thành đích đến của nhiều “ông lớn” ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Gần đây nhất, tập đoàn Geleximco cũng đã bắt tay cùng Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaeco (thành viên của tập đoàn ô tô Chery – Trung Quốc) ký kết hợp đồng nguyên tắc để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô từ 2025, tham vọng đạt công suất tới 200.000 xe/năm (tính đến 2035) và đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.
Trước đó nữa, thị trường cũng chứng kiến hướng đi mới của công ty Xe điện TMT Motors trong việc hợp tác với liên doanh GM để sản xuất mẫu minicar điện Wuling HongGuang MiniEV vốn đang được bán chạy hàng đầu tại thị trường Trung Quốc. Việc sản xuất, lắp ráp được tiến hành tại nhà máy của TMT ở Hưng Yên với công suất ban đầu khoảng 30.000 xe/năm.
Về phía Tập đoàn Phương Trang (Futa Group) được thành lập năm 2001, với hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực mua bán ô tô, vận tải hành khách, bất động sản và kinh doanh dịch vụ. Hiện, công ty đang có trụ sở chính tại số 1 Tô Hiến Thành, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, Kim Long Motor là dự án khu liên hợp sản xuất, lắp ráp được Kim Long Motor Huế - thành viên của tập đoàn Phương Trang đầu tư từ tháng 1/2019, xây dựng trên diện tích khoảng 160ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.330 tỷ đồng với mục tiêu là lắp ráp các loại xe ô tô khách (bus), ấp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên với công suất 16.000 xe các loại, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là xe bus từ 30-45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi. Tại thời điểm bắt đầu đầu tư, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần vào quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Người đại diện theo pháp luật của Kim Long Motor Huế là ông Nguyễn Hữu Luận và Mai Phước Nghê. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là đại lý ô tô và xe có động cơ khác. Về phần ông chủ Nguyễn Hữu Luận và Mai Phước Nghê, cũng là người đại diện của hàng loạt các doanh nghiệp lớn thuộc hệ sinh thái Futa Group như Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Sơn Trà Đà Nẵng; Công ty cổ phần thương mại dịch vụ bất động sản Phú Mỹ, Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang- Futa Group, Công ty cổ phần bất động sản Futaland,…
Tập đoàn Phương Trang và đại án Trustbank
Công ty CP đầu tư Phương Trang (Tập đoàn Phương Trang) được thành lập vào ngày 12/2/2003 với vốn điều lệ ở mức 770 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Luận nắm giữ 98,66% vốn điều lệ.
Từ một doanh nghiệp nhỏ, những ngày đầu Tập đoàn Phương Trang hoạt động với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại sau đó liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh này ra các tỉnh thành khác. Đến tháng 4/2013, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futa BusLines (Futa BusLines) được thành lập, chính thức đưa hoạt động kinh doanh lõi này thành một pháp nhân và liên tục phát triển cho đến nay, hoạt động trên khắp 20 tỉnh thành trong cả nước. Đến tháng 11/2015, số vốn Futa BusLines ở mức 200 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Taxi Phương Trang nắm giữ 40%, ông Nguyễn Hữu Luận (52,67%), ông Phạm Đăng Quan (5,83%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).
Đáng lưu ý, vào năm 2010, Tập đoàn Phương Trang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Futa Land – Công ty CP bất động sản Phương Trang. Công ty này sau đó được biết đến với hàng loạt bất động sản cao cấp tại TP.HCM như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3); dự án The Landmark City, quận 1 (4.261 m2); dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha); Golden Gate, quận 7 (1,9 ha) và tại TP.Đà Nẵng như dự án Han Riverview (1,4 ha), Khu đô thị mới Futa Cove, (120 ha), dự án An Cư 11 và dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng (147ha).
Đang trên đà phát triển thì năm 2016, Tập đoàn Phương Trang lại dính một số "lùm xùm" liên quan đại án Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) của bà Hứa Thị Phấn cùng vụ kiện đòi xe MayBach trị giá 38 tỷ đồng giữa bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phương Trang.
Thời điểm đó, hàng loạt xe khách, dự án bất động sản của Phương Trang bị phong tỏa vì đó là những tài sản đảm bảo cho các khoản nợ doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Luận với phía ngân hàng. Cũng từ đó đến nay, mảng kinh doanh bất động sản của Tập đoàn này dường như không còn đáng kể.