Tại sao mâm cúng vía thần Tài của người miền Nam luôn có cá lóc nướng?

Rằm tháng Giêng, tức ngày 15 tháng 1 Âm lịch, được xem là ngày rằm lớn nhất trong năm và còn được biết đến với tên gọi Tết Nguyên Tiêu. Vậy trong năm 2025, rằm tháng Giêng sẽ rơi vào ngày nào theo Dương lịch?

Mỗi năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm ăn, buôn bán, đều chuẩn bị mâm cúng vía thần Tài với hy vọng một năm mới thuận lợi, phát tài phát lộc. Tùy theo phong tục từng vùng, mâm cúng thần Tài có sự khác biệt. Đặc biệt, ở miền Nam, ngoài những lễ vật truyền thống, cá lóc nướng là món không thể thiếu.

Ý nghĩa món cá lóc nướng trong mâm cúng vía thần Tài của người miền Nam

Chia sẻ với Znews, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho biết, lý do người miền Nam chọn cá lóc nướng để cúng thần Tài bắt nguồn từ chính đời sống sông nước của cư dân nơi đây. Từ xa xưa, người dân Nam Bộ đã gắn bó mật thiết với các con sông, kênh rạch, và nguồn thực phẩm chủ yếu cũng đến từ thiên nhiên. Cá lóc, một loài cá phổ biến, có khả năng sinh tồn mạnh mẽ, đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày.

Không chỉ là thực phẩm, cá lóc còn mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần lao động và sự gắn kết với thiên nhiên. Khi dâng cá lóc nướng lên thần Tài, người dân mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là cách để họ tri ân cha ông, những người đã khai phá vùng đất này với biết bao gian khổ.

Mâm cúng Thần Tài miền Nam không thể thiếu món cá lóc nướng. (Ảnh: Eric Nguyễn)

Mâm cúng Thần Tài miền Nam không thể thiếu món cá lóc nướng. (Ảnh: Eric Nguyễn)

Xét theo phong thủy, cá lóc tượng trưng cho sự sung túc và phát triển. Dâng cúng cá lóc nướng vào ngày vía thần Tài mang hàm ý cầu chúc cho gia đình và công việc luôn hanh thông, vững vàng như hình ảnh cá lóc mạnh mẽ bơi ngược dòng.

Không chỉ xuất hiện trong ngày vía thần Tài, cá lóc nướng còn là lễ vật quen thuộc trong các mâm cúng quan trọng khác của người miền Nam, đặc biệt là trong lễ tiễn ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Món ăn dân dã này vừa dễ chế biến, vừa giữ được hương vị nguyên bản, thể hiện tinh thần giản dị nhưng đậm chất văn hóa của người dân vùng sông nước.

Những điều cần lưu ý khi cúng vía Thần Tài

Chuẩn bị mâm cúng chu đáo, đúng phong thủy

Mâm cúng vía thần Tài cần được bày trí gọn gàng, trang nghiêm và hài hòa theo đúng phong thủy. Các lễ vật không thể thiếu bao gồm: hoa tươi, trái cây, nhang đèn, vàng mã và đặc biệt là bộ tam sên (gồm thịt heo, tôm và trứng). Việc sắp xếp mâm cúng sao cho cân đối, đẹp mắt sẽ giúp gia tăng sự linh thiêng, thu hút tài lộc cho gia chủ.

Cá lóc nướng cúng thần Tài: Những điều cần lưu ý

Nếu sử dụng cá lóc nướng trong mâm cúng, cần chú ý giữ nguyên con, không cạo vảy, không cắt bỏ vây hay đuôi. Khi nướng trui, nên xiên thẳng cá bằng một thanh mía chẻ qua miệng để cố định, giúp cá giữ được hình dáng nguyên vẹn, mang ý nghĩa trọn vẹn và may mắn trong năm mới.

Cá lóc nướng dùng cúng vía thần Tài phải để nguyên con. (Ảnh: Thy Huệ)

Cá lóc nướng dùng cúng vía thần Tài phải để nguyên con. (Ảnh: Thy Huệ)

Thời gian cúng thần Tài phù hợp nhất

Theo quan niệm dân gian, thời điểm tốt nhất để cúng vía thần Tài là vào buổi sáng, giúp gia chủ đón nhận nhiều vận may và thuận lợi trong công việc làm ăn. Nếu không thể cúng vào sáng sớm, gia chủ vẫn có thể làm lễ vào buổi trưa hoặc chiều, nhưng nên tránh cúng vào ban đêm vì có thể ảnh hưởng đến năng lượng tài lộc.

Tâm thế khi cúng thần Tài

Bên cạnh việc chuẩn bị mâm cúng đầy đủ, điều quan trọng không kém chính là thái độ thành kính của gia chủ. Hãy thực hiện nghi lễ với lòng tôn trọng, thành tâm khấn vái để thể hiện sự trân trọng đối với thần linh.

Thụ lộc đúng cách sau khi cúng

Sau khi hoàn tất nghi thức, cá lóc nướng và các lễ vật khác sẽ được gia đình thụ lộc. Món ăn này không chỉ mang ý nghĩa cầu tài lộc mà còn là sự kết nối giữa thần linh và gia chủ. Vì vậy, không nên để thừa mứa hay bỏ phí, thể hiện sự trân trọng và biết ơn với những điều tốt đẹp mà thần Tài mang lại.