Chuyên gia nghiên cứu và phát triển đến từ Mỹ Carlyn Rosenblum nói: "Uống cà phê ngay đầu buổi sáng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe đường ruột". Cà phê kích thích sản xuất axit trong dạ dày. Nếu bạn dễ bị trào ngược axit hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa khác, bạn nên chú ý các triệu chứng của mình để xem liệu cà phê có làm chúng trầm trọng hơn không.
Rosenblum cho biết: "Cà phê làm tăng cortisol, có thể tác động tiêu cực đến sự rụng trứng, cân nặng và cân bằng nội tiết tố". Cortisol - hormone căng thẳng - cùng những yếu tố khác giúp điều chỉnh năng lượng và khiến bạn cảm thấy tỉnh táo suốt cả ngày, nhưng thường cao vào buổi sáng và thấp vào buổi tối.
Ngay đầu ngày, khi cortisol cao sẽ làm giảm quá trình sản xuất hormone và thay đổi thời gian của chu kỳ rụng trứng. Điều này có thể khiến bạn sản xuất cortisol vào những thời điểm mà nó thường giảm xuống (chẳng hạn vào ban đêm).
Cortisol cần thiết cho sức khỏe chúng ta. Tuy nhiên, khi thường xuyên căng thẳng, cơ thể chúng ta liên tục sản sinh cortisol. Điều này có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu, tăng sản xuất hormone insulin, dẫn đến kháng insulin. Cortisol dư thừa có thể dẫn đến các tác động như tăng cân, khó ngủ và phản ứng miễn dịch bị tổn hại. Tiêu thụ caffeine khi cortisol cao thực sự có thể khiến bạn sản xuất nhiều cortisol hơn. Mặc dù lý do đằng sau điều này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, một phần lý do có thể liên quan đến tác động của cà phê đối với một số vitamin và khoáng chất.
Rosenblum khuyên bạn nên ăn sáng với các thực phẩm giàu canxi (như sữa chua, hạnh nhân, rau bina, cải xoăn hoặc hạt chia), giúp trung hòa cả axit trong cà phê và axit dạ dày của bạn. Cô cũng lưu ý rằng cà phê lạnh có lượng axit ít hơn khoảng 70% so với cà phê nóng.
Vậy nên uống cà phê vào lúc nào?
Nếu bạn thức dậy theo một lịch trình tương đối chuẩn, cách tốt nhất là rót cho mình một cốc cà phê sau bữa sáng, từ 9h30 sáng đến trưa, thời điểm mức cortisol thường thấp. Khi đó, cà phê sẽ thực sự mang lại cho bạn sự thúc đẩy cần thiết, khắc phục tình trạng sụt giảm năng lượng tiềm ẩn.
Nhưng nếu cortisol cao vào buổi sáng, tại sao chúng ta vẫn thấy buồn ngủ?
Rosenblum đưa ra một số lý do có thể xảy ra. Thứ nhất, do thói quen uống cà phê: Nếu bạn quen uống cà phê vào buổi sáng, cơ thể bạn có thể đã loại bỏ cơ chế đánh thức tự nhiên của nó.
Thứ hai, mất nước: Bạn bị mất nước khi ngủ, vì vậy khi thức dậy bạn có thể háo nước, đặc biệt nếu bạn không uống đủ nước trong ngày.
Thứ ba, thói quen ngủ không tốt: Hầu hết mọi người cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, vì vậy nếu đang thiếu ngủ trầm trọng, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Rosenblum cũng lưu ý rằng chất lượng giấc ngủ cũng quan trọng như số lượng và khuyên bạn nên thúc đẩy giấc ngủ ngon bằng cách tắt nguồn thiết bị điện tử 60 phút trước khi đi ngủ, uống trà thảo dược hoặc viết nhật ký biết ơn trước khi đi ngủ. Nữ chuyên gia nói: "Tuyến thượng thận của chúng ta (sản xuất cortisol) thích sự nhất quán. Hãy thử đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày".
Hằng Trần (Theo Purewow)