Thực hư tin bão Trà Mi vòng trở lại Philippines

Rộ tin bão Trà Mi - cơn bão số 6 trên Biển Đông - sẽ vòng trở lại Philippines. Cơ quan thời tiết Philippines đã lên tiếng làm rõ.
thuc-hu-tin-bao-tra-mi-vong-tro-lai-philippines-1729848245.jpg
Bão Trà Mi trên Biển Đông. Ảnh: CIRA

Tin bão mới nhất của Cebu Daily News về bão Trà Mi dẫn lời Giám đốc Cơ quan Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) Alfredo Quiblat phản hồi về thông tin cơn bão số 6 trên Biển Đông vòng trở lại Philippines.

"Có một kịch bản là sau khi bão Trà Mi (tên địa phương là Kristine) rời khu vực dự báo của Philippines (PAR), tiến tới gần Việt Nam, vào 28.10 sẽ có một vùng áp cao xuất hiện khiến bão Trà Mi diễn biến như thể sẽ vòng trở lại Philippines hoặc vào PAR" - ông Alfredo Quiblat cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia thời tiết PAGASA làm rõ rằng không có kịch bản nào thực sự cho thấy bão Trà Mi sẽ đi vào khu vực dự báo của Philippines cho dù cơn bão sẽ vòng trở lại.

"Hiện tại, chúng tôi không có kịch bản nào cho thấy bão Trà Mi sẽ quay trở lại khu vực dự báo của Philippines. Cơn bão chỉ diễn tiến như thể sẽ quay trở lại nhưng có khả năng sẽ vòng lại và hướng về phía Trung Quốc" - Giám đốc PAGASA Alfredo Quiblat lưu ý.

Lời giải thích được Giám đốc PAGASA Quiblat nêu ra để phản hồi lại thông tin lan truyền trên mạng Xã hội từ bài đăng trên Facebook của tài khoản "The Watchmen's Earth and Space Connection". Bài đăng này nhấn mạnh cần theo dõi bão Trà Mi và một áp thấp ngay sau bão Trà Mi.

thuc-hu-tin-bao-tra-mi-vong-tro-lai-philippines-a2-1729848276.jpg
Dự báo đường đi của bão Trà Mi trên Biển Đông. Ảnh: PAGASA

Mô hình dự báo bão châu Âu nhận thấy, bão Trà Mi đang di chuyển về phía Trung Quốc và Việt Nam sau đó vòng lại, hướng về phía Philippines. Mô hình này cũng nhận thấy có một áp thấp ngay sau bão Trà Mi. Áp thấp này có khả năng hướng về Nhật Bản.

Bài đăng khác trên Facebook của "The Watchmen's Earth and Space Connection" lưu ý, tương tác giữa dòng tia và một rãnh áp thấp sẽ khiến bão Trà Mi vòng trở lại Philippines.

Ngoài ra, chuyên gia Quiblat cũng làm rõ rằng vùng áp thấp nằm ở phía đông của đông bắc Mindanao có ít khả năng xảy ra "hiệu ứng Fujiwhara" với bão Trà Mi.

Hiệu ứng Fujiwhara được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ định nghĩa là tương tác bão đôi, trong đó các cơn bão nhiệt đới tiến sát nhau ở một khoảng nhất định và quay quanh một điểm chung.

"Có những suy đoán rằng vùng áp thấp này sẽ dẫn tới hiệu ứng Fujiwhara, khiến bão Trà Mi vòng trở lại. Nhưng đây là một kịch bản không khả thi vì để hình thành hiệu ứng Fujiwhara, 2 cơn bão phải cách tâm điểm ít nhất 1.400km" - ông Quiblat giải thích, nhấn mạnh không thể gọi đây là hiệu ứng Fujiwhara là vì khoảng cách giữa áp thấp mới gần Philippines và bão Trà Mi là 3.000 km.