Có nên công khai danh tính 55 người sử dụng bằng giả do ĐH Đông Đô cấp để bảo vệ luận án tiến sĩ?

Nhiều người cho rằng cần phải công khai danh tính 55 người đã dùng bằng giả của Đại học Đông Đô phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh để xem hiện nay họ đang công tác ở đâu, đảm nhiệm vị trí gì.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận về vụ cấp bằng giả tại Trường Đại Học Đông Đô. Theo điều tra, Đại học Đông Đô chưa từng được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 2015-2017, các đối tượng này đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.
 
Tài liệu điều tra cho thấy các đối tượng này đã cấp khoảng 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh.
 
tin-tuc-moi-nhat-ve-vu-cap-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do
Cơ sở 1 Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội)
 
Trong số những người này có đến 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không thông qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng. Cảnh sát hiện đã thu giữ được 177 bằng giả.
 
Kết luận điều tra có nêu, trong số 193 bằng giả, chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.
 
Đối với 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 tường hợp đã sử dụng bằng cho nhiều mục đích khác. Trong đó có 55 người đã sử dụng tấm bằng giả này để làm bảo vệ luận án tiến sĩ và xét tuyển nghiên cứu sinh. 5 trường hợp còn lại thì có một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một người thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 người thi tuyển công chức và hai người kê khai hồ sơ cán bộ.
 
Sau khi thông tin này được công bố, nhiều người cho rằng cần phải công khai danh tính của tất cả những người đã dùng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để thi viên chức, bảo vệ luận án tiến sĩ và xét tuyển nghiên cứu sinh.
 
Một giảng viên đại học nêu ý kiến: “Tôi không thể tưởng tượng được khi đọc thông tin có đến 55 người dùng bằng giả cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
 
Bằng giả tức là bằng không có giá trị, không qua học tập mà có, cũng có thể những người này không biết lấy một chữ tiếng Anh nhưng dùng tiền mua bằng để vượt qua tiêu chuẩn về tiếng Anh phục vụ cho làm nghiên cứu sinh và tiến sĩ.
 
Thử hỏi, một nhà khoa học nhưng đến tiêu chuẩn ngôn ngữ cũng không có, chưa nói đến việc đạo đức của người làm nghiên cứu cũng không thì họ có xứng đáng với hai từ “tiến sĩ”?
 
Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian tối thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị phải công khai danh tính của những người này để dư luận biết, để thấy những con người dối trá trong làm khoa học thế nào”.
 
tin-tuc-moi-nhat-ve-vu-cap-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do
Các bị can Hòa, Quang, Thùy (từ trái qua) 
 
Hàng loạt nhưng thắc mắc được đặt ra về việc người mua bằng ngôn ngữ tiếng Anh giả sẽ bị xử ký như thế nào?
 
Theo báo Vietnamnet đưa tin, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa – Hà Nội) cho biết, việc cấp bằng chui tại Đại học Đông Đô của các bị can sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Các đối tượng cấp bằng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
 
Còn đối với những người được cấp bằng giả thì về mặt pháp lý, bằng cấp mà người này sở hữu không có giá trị. Vì vậy họ không phải cử nhân hệ văn bằng 2 theo quy định của pháp luật.
 
Những cá nhân được cấp văn bằng 2 nhưng không thông qua tuyển sinh, đào tạo này đang sử dụng tấm bằng giả của mình cho nhiều mục đích khác nhau. Việc biết rõ bản thân không tham gia tuyển sinh, không được đào tạo, mua bằng cấp, sử dụng bằng cấp giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Căn cứ theo khoản 3, khoản 5, điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
 
Điều 16: Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ
 
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
 
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
 
Trường hợp không chỉ sử dụng đơn thuần bằng giả nêu trên, những người có bằng giả lại dùng bằng giả đó để thực hiện những hành vi trái pháp luật thì có thể phải chịu TNHS về Tội sử dụng giấy tờ giả (quy định tại Điều 341 BLHS).
 
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
 
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/11/26/bo-gd-dt-noi-gi-ve-vu-cap-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do_26112020115506.mp4[/presscloud]
 
 
Theo Thiên Bình/SKCĐ