Xót xa bức tâm thư của cô con gái có người bố hễ say xỉn là đánh vợ đập con: Từng cầm dao tự vệ

Admin
'Có một lần bố đã đuổi đánh tôi từ phòng khách xuống đến tận nhà bếp, lý do là vì tôi đã trưng ra biểu cảm chán ghét khi nhìn thấy ông ấy uống rượu', cô gái 'căm hận' kể lại.

Bức tâm thư của một cô con gái có người bố mỗi khi say xỉn liền đập vợ đánh con đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc và nhận được nhiều sự chú ý.

sayxin-2
Bức tâm thư của cô gái có người bố thường xuyên say xỉn

Nguyên văn dòng tâm sự nặng nề của cô gái như sau (theo Weibo VN dịch):

Tôi căm hận cái gọi là “văn hóa bàn rượu”. Tuổi thơ tôi bị ám ảnh bởi bốn chữ này. Ngày xưa, nếu như không phải do mẹ tôi luôn luôn nhẫn nhịn chịu đựng thì có lẽ bố mẹ tôi đã ly hôn từ lâu rồi.

Hồi học tiểu học, có một lần bố tôi uống rượu say túy lúy được đồng nghiệp đưa về nhà, nhưng ông ấy không chịu bước vào cửa mà cứ nằm ngạ ngật ngoài đường không đứng lên nổi. Người đồng nghiệp trước đó có lẽ đã bị bố tôi rượu vào lời ra chẳng dễ chịu gì nên cũng mặc kệ ông ấy mà nhấn chân ga bỏ đi luôn, để lại bố tôi nằm ngoài cửa nôn ọe đầy đường. Mấy đứa nhỏ nhà hàng xóm đi qua đi lại, dùng ánh mắt như nhìn thấy quái vật để nhìn tôi và bố.

Thực ra trường hợp như này vẫn còn tốt chán, bố tôi uống say mèm mất đi ý thức, chẳng thể làm gì cả. Còn đa phần những lúc khác, sau khi uống rượu rồi ông ấy sẽ chỉ mất đi lý trí chứ sức lực vẫn còn tràn trề. Ông ấy sẽ cáu giận, phát tiết, đập phá như một đưa trẻ đang giận dỗi ai đó, nhưng nó lại đập phá nhà cửa bằng sức lực của một người đàn ông trưởng thành.

Tôi nhớ có một lần ông ấy đã đuổi đánh tôi từ phòng khách xuống đến tận nhà bếp, lý do là vì tôi đã trưng ra biểu cảm chán ghét khi nhìn thấy ông ấy uống rượu. Tôi bị bố dồn đến góc tủ bếp trong cùng, phải đặt tay ra sau len lén mở cửa ngăn kéo lấy ra một con dao rồi giấu nó sau lưng. Lúc đó, tôi mới lên lớp 7, động tác đó của tôi bị bố nhìn thấy và ghi nhớ rất lâu, thậm chí sau này khi tôi tốt nghiệp đại học rồi, ông ấy vẫn thường xuyên lôi ra nhắc đi nhắc lại rằng hành động đó của tôi khiến ông ấy vô cùng tổn thương.

sayxin-1
Người bố say rượu thường mất lý trí mà đánh đập vợ con

Tôi căm hận cái “văn hóa” đó. Không phải chỉ vì nó khiến cho bố tôi nhất thời biến thành một kẻ thần kinh không bình thường mà còn bởi nó đã trở thành một cái cớ, một lý do chính đáng để ông ấy dùng biện minh cho hành vi uống say khướt lướt của mình. Ở chỗ tôi, một người đàn ông khi đã ngồi vào bàn tiệc thì nhất định phải uống rượu, nếu không sẽ bị cho là không đủ chân thành, không đáng mặt đàn ông, là coi thường những người kính rượu với mình.

Sau này lớn lên, tôi đã nhiều lần phản đối, không cho bố uống rượu trước mặt nhiều người. Thế nhưng họ hàng của tôi lại nói rằng: đàn ông mà, phải uống, không uống thì còn mặt mũi nào nữa.

Tôi còn nhớ đã rất nhiều lần tôi đứng nép mình trong góc nhà, nghe bọn họ chén chú chén anh, cùng nhau hô vang 1 2 3 uống, khắp cả gian phòng chỉ toàn mùi rượu. Nhìn thấy bọn họ dùng đũa gắp loạn thức ăn trên bàn, khiến chúng trông chẳng ra hình thù gì nữa, nghe thấy tiếng cụng chén canh cách cùng những giọt rượu sóng sánh rơi ra, tôi có một sự kích động đến mức như muốn đập vỡ chiếc bàn ra, đuổi hết tất cả bọn họ ra ngoài. Bây giờ toàn là anh em tốt của nhau, nhưng tới khi ông ấy uống say rồi đập vợ đánh con, nôn ọe đầy nhà, uống đến khi gan nhiễm mỡ, đám anh em đó của ông ấy ở đâu?

Ở chỗ tôi, bởi vì “uống say rồi” nên tất cả những chuyện xấu xa, bạo lực mà đám đàn ông làm ra dường như đều sẽ được tha thứ. Phụ nữ và trẻ con có gào khóc đến đâu cũng sẽ bị khuyên nhủ hãy cố gắng nhẫn nhịn, chúng tôi không thể tìm được chỗ dựa tinh thần cũng như ai đó giúp đỡ mình, mà xã hội dường như cũng đã coi chuyện này như một chuyện rất đỗi bình thường.

Tôi vẫn luôn không hiểu vì sao bố tôi lại phải vì một hai người bạn cả năm chẳng gặp nhau nổi 1 lần, vì nể mặt họ mà phải chuốc say chính mình, sau đó về nhà đánh đập mắng chửi tôi và mẹ?

Sau này, có lần tôi dẫn bạn trai về nhà. Bạn trai tôi bị dị ứng với rượu, uống vào là sẽ nôn ra rồi phát ban khắp người. Lần đầu tiên ăn cơm, tôi để anh ấy uống rượu trước mặt bố tôi để ông ấy nhìn thấy tận mắt. Nhưng không ngờ vài ngày sau, chồng của chị họ tôi qua chơi, lại tiếp tục ép bố tôi và bạn trai cùng uống rượu. Bố tôi uống thôi thì đã đành, đằng này ông ấy lại ép cả bạn trai tôi tham gia cùng nữa.

Giây phút đó, cô gái nhỏ năm nào bị dồn tới góc tủ bếp trong tôi lại một lần nữa bùng nổ, tôi hét lớn: “Bố tự nhìn lại mình xem uống thành ra cái dạng gì rồi mà còn muốn người khác uống cùng nữa? Anh ấy bị dị ứng với rượu, tại sao lại vẫn phải uống?”. Bố tôi nhăn mặt lại, anh rể họ lại tiếp tục rót rượu: “Nào nào nào, con gái chú cáu chút thôi mà, không sao đâu, làm chén nữa đi chú”. Tôi không nhịn nổi nữa, đuổi anh ta ra khỏi nhà, điều này có lẽ khiến anh ta cảm thấy bị mất mặt nên từ đó về sau không còn tới nhà tôi nữa.

Tôi cảm thấy vô cùng vui vẻ, như trút được gánh nặng vây. Cuối cùng thì tôi đã không cần phải lo sợ bố uống rượu say rồi thì sẽ động tay chân với mình mà không dám lên tiếng nữa. Đối mặt với bạo lực, ít nhất thì tôi đã có sức lực để chạy trốn nên mới dám lớn tiếng nói “không” với kiểu “văn hóa” này.

sayxin-3
Văn hóa uống rượu trên bàn tiệc của cánh mày râu khiến không ít "người nhà" phải khốn khổ

Thật là nực cười, bởi vì muốn vui vẻ, náo nhiệt, bởi vì quan hệ, giao tiếp mà một người đàn ông lại phải khiến mình say đến mất hết lý trí, rồi lại về nhà làm đảo lộn mọi thứ lên, vậy mà những người đàn ông đó lại không hề ý thức được rằng mình cần phải dừng lại và thay đổi. Đáng sợ hơn nữa là xã hội cũng dung túng và cổ vũ cho hành vi của họ, khiến cho người nhà của họ - những người bị hại trực tiếp - không có nơi nào để khiếu nại.

Tôi và mẹ vẫn có thể coi là chưa chịu tổn thương nặng nề, vẫn chưa bị bố tôi “3 ngày 1 trận dài, 2 ngày 1 trận ngắn”. Tôi tin rằng còn nhiều “người bị hại” khác có trải nghiệm tồi tệ hơn tôi bởi cái “văn hóa bàn rượu” này. Chỉ là ở cái xã hội này, nơi mà nhiều người vẫn cho rằng ép rượu nhau trên bàn nhậu là một nét đẹp “văn hóa”, không ai nhìn thấy chúng tôi, không ai nghe thấy chúng tôi hết. Với họ, chúng tôi không hề tồn tại.

Tôi hy vọng rằng mỗi một đứa trẻ “bị hại” đều sẽ giống như tôi, cuối cùng sẽ có được can đảm để nói “không”.

Bài chia sẻ của cô gái này sau khi được đăng tải đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo dân mạng. Không ít người chia sẻ đã rơi vào hoàn cảnh tương tự, đặc biệt lên án một cách kịch liệt "văn hóa uống rượu" hại người hại ta này.