Những ngày vừa qua, thông tin Ireland thu hồi lô mì Hảo Hảo vì có chứa chất có thể gây ung thư khiến người tiêu dùng tại Việt Nam không khỏi hoang mang. Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết 2 sản phẩm của công ty Acecook Việt Nam sản xuất là mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good vị sườn heo đều nhiễm chất Ethylene Oxide. Chất này không nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng sử dụng lâu dài có thể gây ung thư.
Phía Acecook đã có thông báo chính thức về việc lô hàng mì gói Hảo Hảo và miến Good bị Ireland thu hồi. Đại diện công ty khẳng định những sản phẩm tại Việt Nam đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, 2 sản phẩm bị thu hồi là sản phẩm dành riêng cho xuất khẩu thị trường châu u, không phải sản phẩm nội địa. Công ty cũng cam kết toàn bộ sản phẩm lưu hành tại Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Dù công ty Acecook lên tiếng đính chính nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi, quyết định hạn chế sử dụng các sản phẩm này. Đáng chú ý, trên TikTok gần đây tiếp tục rầm rộ trào lưu đốt mì tôm Hảo Hảo để chứng minh loại mì này có chất gây ung thư. Những người này còn khẳng định mì Hảo Hảo có bột gỗ trộn vào nên mới gây cháy khi đốt.
Cụ thể, nếu tìm kiếm từ khóa “đốt mì tôm hảo hảo” trên TikTok, bạn sẽ bắt gặp hàng loạt các video TikToker đang thử nghiệm đốt mì tôm Hảo Hảo, thậm chí có những video còn lên xu hướng thịnh hành đạt hàng trăm nghìn lượt thả tim và bình luận. Những TikToker này vừa đốt, vừa liên tục đưa ra thông tin như sản phẩm kém chất lượng, có chất gây ung thư, trộn bột gỗ, mùn cưa nên mới dễ dàng cháy như vậy.
Bên cạnh những người bị “dắt mũi” thì đông đảo cư dân mạng đã tỏ ra bức xúc với việc lấy đồ ăn để làm thí nghiệm vớ vẩn. Một vài người bình luận: “Đốt thì đến gạo cũng cháy nói gì mì tôm”, “Học mấy cái tào lao là nhanh”, “Thế lấy thử mì khác ra đốt xem có cháy không? Xàm xí thực sự!”...
Đây không phải lần đầu tiên các thí nghiệm đốt mì tôm được lan truyền trên mạng xã hội. Vào năm 2015, cư dân mạng từng xôn xao hình ảnh mì tôm Hảo Hảo đốt cháy như giấy. Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội từng cho biết mì tôm vốn là chất dễ cháy. Theo chuyên gia này thì mì tôm được làm bằng tinh bột và chiên qua dầu rồi được sấy khô nên độ ẩm thấp. Vì thế, mì tôm rất dễ bị bẻ gãy, giòn và dễ bắt lửa khi đốt vì đã chiên qua dầu.