Từ tháng 2/2025: Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng điện, ai cũng nên biết

Luật Điện lực đã phân định rất rõ về những hành vi mà mọi người cần tránh khi hoạt động trong lĩnh vực này và khi sử dụng điện.

Luật Điện lực số 61/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2025. Luật này đặt ra các quy định cụ thể nhằm đảm bảo hoạt động điện lực và việc sử dụng điện diễn ra an toàn, minh bạch, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia và quyền lợi của người dân.

Điều 9 của Luật Điện lực số 61/2024/QH15 liệt kê chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực điện lực và sử dụng điện, bao gồm:

1. Hoạt động điện lực trái phép – Thực hiện các hoạt động liên quan đến điện lực mà không có giấy phép theo quy định của Pháp luật.

2. Hành vi trộm cắp điện – Chiếm đoạt điện năng bằng các phương thức gian lận, gây tổn thất cho ngành điện và ảnh hưởng đến sự công bằng trong sử dụng điện.

3. Trộm cắp phương tiện, trang thiết bị điện – Lấy cắp các thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ cho hệ thống điện.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng điện từ tháng 2/2025, ai cũng nên biết- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

4. Phá hoại cơ sở hạ tầng điện lực – Làm hư hỏng, phá hoại thiết bị điện, công trình điện lực gây ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp điện.

5. Sử dụng vật liệu nguy hiểm gây sự cố điện – Đưa vào hệ thống điện các thiết bị, vật liệu dễ cháy, nổ, ăn mòn hoặc có nguy cơ gây hư hại công trình điện lực.

6. Đóng điện, cắt điện trái phép – Tự ý thực hiện việc cắt điện, đóng điện mà không tuân thủ quy định của pháp luật.

7. Vi phạm quy định về an toàn điện – Không tuân thủ các biện pháp bảo vệ công trình điện lực, an toàn vận hành hệ thống điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện.

8. Xâm phạm hành lang bảo vệ công trình điện lực – Trồng cây, xây dựng, đào bới, khai thác khoáng sản, thả diều, neo đậu tàu thuyền, xả thải chất ăn mòn hoặc thực hiện các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn của hệ thống điện.

9. Sử dụng điện làm công cụ bảo vệ trực tiếp – Dùng điện như một phương tiện bảo vệ mà không thuộc trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép.

10. Cung cấp thông tin sai lệch, thiếu minh bạch – Đưa ra các thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực điện lực.

11. Cản trở công tác sửa chữa, giám sát hệ thống điện – Ngăn cản các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, kiểm tra và giám sát hoạt động điện lực.

12. Lợi dụng hoạt động điện lực để trục lợi – Sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có hành vi trục lợi bất chính trong quá trình cung cấp và sử dụng điện.

Những quy định trên nhằm bảo đảm hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn và công bằng, đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Minh Hoa (t/h)