Tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup: Liều thuốc giảm đau nhưng còn những nỗi lo

Sự xuất hiện của tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son thực sự giúp đội tuyển Việt Nam nâng tầm. Thế nhưng, chúng ta không thể chủ quan bởi vẫn còn đó nỗi lo chưa thể giải quyết.

Xuân Son: Liều thuốc giảm đau với đội tuyển Việt Nam

"Với Xuân Son, đội tuyển Việt Nam có nhiều phương án tấn công hơn", HLV Phạm Minh Đức nhận xét về tân binh của đội tuyển Việt Nam trên sóng truyền hình. Không quá khi nói rằng, chúng ta đã chờ quá lâu để được chứng kiến "khẩu súng máy hạng nặng" như vậy trên hàng công của đội tuyển Việt Nam.

Người hâm mộ Việt Nam như nắng hạn gặp mưa rào. Ngay sau khi sự thất vọng bắt đầu xâm chiếm nỗi lòng của mọi người, Xuân Son đã xuất hiện và sút bay tất cả. Từng pha dứt điểm, tì đè, kiến tạo của tiền đạo gốc Brazil đều ở đẳng cấp rất cao. Thậm chí, ngay cả trong điều nhỏ nhất là… đỡ bóng, ngôi sao của CLB Nam Định cũng làm rất chỉn chu.

tuyen-viet-nam-vao-ban-ket-aff-cup-lieu-thuoc-giam-dau-nhung-con-nhung-noi-lo1-1734927748.jpg
Khả năng dứt điểm, tì đè, kết nối các vệ tinh của Xuân Son đều rất tốt (Ảnh: Thành Đông).

Trước đây, nhiều người cho rằng Xuân Son ở trên trình độ của Bóng đá Đông Nam Á nhưng phải tới trận đấu với Myanmar, khi cầu thủ này xuất trận, chúng ta mới thấy rõ sự chênh lệch ấy lớn tới mức nào.

Trên mạng Xã hội, không ít cổ động viên (CĐV) còn đùa rằng nếu HLV Park Hang Seo sở hữu Xuân Son kết hợp cùng thế hệ vàng, đội tuyển Việt Nam có lẽ đã giành vé tham dự World Cup.

Tất nhiên, mọi thứ chỉ là vui đùa trong men say chiến thắng nhưng có một sự thật là Xuân Son vượt quá vai trò của tiền đạo rất nhiều. Bản đồ nhiệt cho thấy tiền đạo 27 tuổi không chỉ hoạt động nhiều trong vòng cấm của đối thủ, mà còn ở phạm vi rất rộng với cả vai trò của "số 8" (tiền vệ trung tâm) và "số 10" (hộ công).

Những con số không biết nói dối. Thống kê cho thấy, ngoài 2 bàn thắng, Xuân Son còn có 2 lần kiến tạo thành bàn, tung ra 6 đường chuyền kiến tạo cơ hội cho đồng đội, chạm bóng tới 48 lần (không kém gì tiền vệ trung tâm Hoàng Đức), 7 lần chiến thắng tranh chấp trên không, rê bóng thành công 3 lần và thậm chí có một lần thực hiện động thái phòng ngự.

Nói vậy để thấy rằng, trong tất cả các khâu trên sân, Xuân Son đều góp mặt. Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có một cầu thủ toàn diện như vậy. Một phần vì chúng ta hiếm có cầu thủ thể lực dồi dào và kỹ năng chơi bóng toàn diện như Xuân Son.

Có thể hiểu nôm na, trước trận đấu với Myanmar, đội tuyển Việt Nam vẫn chỉ là tập thể rời rạc, thiếu gắn kết và chủ yếu dựa vào sự tỏa sáng của cá nhân. Xuân Son đã trở thành mắt xích kết nối tất cả vị trí lại với nhau, khiến tất cả "bận rộn" hơn. Anh nâng tầm cả đội theo tiêu chuẩn của mình. Nhờ đó, lối chơi của đội tuyển Việt Nam trở nên thanh thoát hơn rất nhiều.

Không những vậy, Xuân Son còn cho thấy bản lĩnh tuyệt vời. Sau khi bị cầu thủ Soe Moe Kyaw của Myanmar khiêu khích khi nói "không phải người Việt Nam", tiền đạo này bình tĩnh đáp: "Tôi yêu đất nước này. Tôi coi Việt Nam như quê hương của mình. Tôi sẵn sàng cống hiến sức lực cho đất nước và đội tuyển Việt Nam".

tuyen-viet-nam-vao-ban-ket-aff-cup-lieu-thuoc-giam-dau-nhung-con-nhung-noi-lo2-1734927747.jpg
Bản đồ nhiệt cho thấy tầm hoạt động rất rộng của Xuân Son (Ảnh: Sofa Score).

Trước đây, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến một vài trường hợp nhập tịch lên khoác áo đội tuyển quốc gia như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max… Tuy nhiên, đối với người hâm mộ, họ vẫn chỉ là "ông Tây".

Còn với Xuân Son, cầu thủ này đang dần thoát cái mác "ông Tây" để trở thành "ông Ta" đích thực. Hình ảnh Xuân Son hát vang Quốc ca Việt Nam khiến không ít người cảm thấy xúc động. Tiền đạo gốc Brazil vẫn đang cố gắng học tiếng Việt mỗi ngày, để giao tiếp như người bản xứ. Anh cũng không ngần ngại khoe bức ảnh mình chở vợ con đi xe máy, mua bánh chuối ven đường.

Vì vậy, đã tới lúc, chúng ta xem Xuân Son như "ông Ta" quen thuộc, thay vì "ông Tây" xa lạ. Chỉ khi người hâm mộ và các cầu thủ đoàn kết thành một khối, chúng ta mới hy vọng có được sức mạnh tổng hòa của cả dân tộc.

Vấn đề chưa thể giải quyết của tuyển Việt Nam

Có lẽ, sự xuất sắc của Xuân Son giống như liều thuốc giảm đau với đội tuyển Việt Nam lúc này. Có thể khẳng định, kể từ đầu giải, chưa bao giờ chúng ta lại có niềm tin mạnh mẽ vào chức vô địch AFF Cup như thời điểm này. Kể từ khi HLV Park Hang Seo chia tay, bóng đá Việt Nam mới lại trải qua thời khắc vui vẻ như vậy.

Chẳng thế mà, vé xem đội tuyển Việt Nam thi đấu với Singapore trên sân Việt Trì (Phú Thọ) đã được bán sạch trong 15 phút. Thế nhưng, đây không phải là thời điểm chúng ta "ở trên mây". Thay vào đó, đội tuyển Việt Nam cần nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn đọng.

tuyen-viet-nam-vao-ban-ket-aff-cup-lieu-thuoc-giam-dau-nhung-con-nhung-noi-lo3-1734927747.jpg
Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa ghi bàn trong hiệp 1 ở vòng bảng AFF Cup 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Có một thống kê khiến không ít người giật mình. Trong cả vòng bảng AFF Cup 2024, đội tuyển Việt Nam không ghi bất kỳ bàn thắng nào trong hiệp 1, kể cả trước Lào. Tất cả 10 bàn thắng được thực hiện ở hiệp 2, với 3 bàn được thực hiện trong những phút bù giờ.

Trước khi có Xuân Son, đội tuyển Việt Nam nhập cuộc với tâm lý khá thận trọng, không dám mạo hiểm. Dù kiểm soát bóng nhiều nhưng đội bóng lại không có nhiều pha bóng đột phá đủ để tạo sát thương cho đối thủ. Thậm chí, trong hai trận đấu với Philippines và Indonesia, chúng ta đã nhờ tới những tình huống tỏa sáng cá nhân của Quang Hải và Doãn Ngọc Tân để giải quyết trận đấu.

Với Xuân Son, cơ hội của đội tuyển Việt Nam đã tới nhiều hơn trong hiệp 1 trận đấu với Myanmar nhưng không hiệu quả. Chúng ta tung ra 13 cú dứt điểm trong 45 phút đầu tiên nhưng chỉ có 2 lần trúng đích.

Ngoài Xuân Son xông xáo với những pha tì đè, dứt điểm, các vị trí còn lại của đội tuyển Việt Nam đều chưa thực sự "nóng máy". Hai lần Hoàng Đức và Quang Hải đưa bóng tới cột dọc đều từ các tình huống cố định.

Nút thắt chỉ được cởi bỏ sau khi Vĩ Hào lập công ở phút 48. Vẫn là Xuân Son với óc quan sát cực tốt khi có tình huống trả ngược cho đồng đội ở tư thế trống trải.

Sở dĩ đội tuyển Việt Nam chỉ có thể tỏa sáng trong hiệp 2 một phần nhờ vào việc đối thủ xuống sức và mất tập trung. Hơn nữa, các cầu thủ Việt Nam cũng phần nào có động lực hơn khi không còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi đối thủ tập trung tối đa cho khâu phòng ngự, "Rồng vàng" vẫn gặp khó khăn.

tuyen-viet-nam-vao-ban-ket-aff-cup-lieu-thuoc-giam-dau-nhung-con-nhung-noi-lo4-1734927748.jpg
Sự khởi đầu không tốt trong hiệp 1 có thể khiến đội tuyển Việt Nam trả giá (Ảnh: Thành Đông).

Đây là điểm yếu cố hữu của đội tuyển Việt Nam đã được nhắc tới suốt từ đầu giải. Khi bước vào vòng bán kết, khi các đối thủ mạnh mẽ và lỳ lợm hơn, chúng ta hoàn toàn có thể phải trả giá khi nhập cuộc quá chậm. Trong dụng binh, tính đột biến luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nên nhớ, Singapore là đối thủ rất mạnh trong 45 phút đầu tiên. Trong số 7 bàn thắng của họ ở vòng bảng, có tới 4 bàn được thực hiện trong hiệp 1. Người hâm mộ đã được chứng kiến Singapore "phủ đầu" tốt ra sao khi dẫn trước Thái Lan tới 2-0 sau 34 phút đầu tiên. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đủ mạnh mẽ để tạo nên cú ngược dòng thần kỳ như "Voi chiến"?

"Cạm bẫy" mang tên Singapore

Đội tuyển Singapore đang bước vào thời kỳ chuyển giao thế hệ, bất chấp việc họ là đội bóng có độ tuổi trung bình cao nhất AFF Cup. HLV Tsutomu Ogura (Nhật Bản) đã mạnh dạn loại bỏ tầm ảnh hưởng của anh em nhà Fandi (Ikhsan Fandi, Irfan Fandi) để tin vào thế hệ mới (dù tuổi không còn trẻ). Trong đó, vai trò của tiền vệ nhạc trưởng gốc Nhật Bản, Kyoga Nakamura, rất quan trọng.

HLV Tsutomu Ogura từng muốn xây dựng lối chơi phối hợp nhóm nhỏ vào đội tuyển Singapore nhưng ông chỉ thể hiện được lối chơi này trong trận đấu với Timor Leste. Còn lại, trong ba trận đấu với Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore chủ yếu vẫn chơi theo cách cũ, đó là tập trung phòng ngự với số đông và sử dụng bóng dài.

tuyen-viet-nam-vao-ban-ket-aff-cup-lieu-thuoc-giam-dau-nhung-con-nhung-noi-lo5-1734927748.jpg
Singapore chơi phòng ngự và sẵn sàng tạo ra cạm bẫy cho các đối thủ (Ảnh: FAS).

Thực tế, chất lượng con người của tuyển Singapore không cho phép HLV Tsutomu Ogura áp dụng quá nhiều lối chơi phức tạp. Họ chủ yếu dựa vào tốc độ và khả năng dứt điểm tốt của hai nhân tố trên hàng công là Faris Ramli (32 tuổi) và Shawal Anuar (33 tuổi) để hy vọng tạo nên sự khác biệt.

Chính vì vậy, Singapore muốn đánh phủ đầu đối thủ càng sớm càng tốt để có thể chơi phòng ngự với đúng sở trường. Đây là điểm mà đội tuyển Việt Nam cần phải chú ý. Có lẽ, nếu Malaysia may mắn hơn ở lượt đấu cuối cùng, Singapore cũng phá sản với lối chơi này.

Nhưng điểm đáng sợ của Singapore chính là ở sự "vô chiêu". Những đối thủ không biết đội bóng này sắp tung ra đòn nào, để chống đỡ. Lối chơi của Singapore luôn trở thành cạm bẫy với bất kỳ đội bóng nào. Thái Lan từng sập bẫy ở vòng bảng nhưng rất may, "Voi chiến" có nhiều gương mặt đủ sức tạo nên đột biến cao.

Chẳng nói đâu xa, đội tuyển Việt Nam từng là nạn nhân trong lối chơi "vô chiêu" của Singapore khi thất bại 0-1 trong trận chung kết Tiger Cup 1998 chỉ vì cái lưng của Sasi Kumar.

Đó cũng là lần gần nhất, "Những chiến binh sao vàng" thất bại trước Singapore (chỉ tính trong 90 phút). Kể từ đó tới nay, chúng ta thắng 6, hòa 8 trong 14 lần gặp đối thủ này. Nhưng nên nhớ, trong 6 lần chạm trán gần đây, Singapore đã cầm hòa đội tuyển Việt Nam tới 4 lần.

Do đó, chúng ta cần phải rất cảnh giác với những tình huống bóng dài, sút xa và cố định của Singapore. Cái lưng của Sasi Kumar trong quá khứ chính là lời nhắc nhở hữu ích với thầy trò HLV Kim Sang Sik thời điểm này.

Đội tuyển Việt Nam hãy coi chừng cạm bẫy từ sự "vô hại bề ngoài" của Singapore…

tuyen-viet-nam-vao-ban-ket-aff-cup-lieu-thuoc-giam-dau-nhung-con-nhung-noi-lo6-1734927747.jpg