Bác sĩ ''sửa lỗi'' cho hàng ngàn trẻ em
Chúng tôi may mắn gặp được TS.BS Lê Thanh Hùng - Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, BV Nhi đồng 1, TP.HCM sau ca phẫu thuật cho bé trai 7 tuổi không may có bộ phận sinh dục bị lỗi, lỗ tiểu thấp xuống phía dưới, thay vì đứng tiểu bé phải tiểu ngồi.
TS.BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, BV Nhi đồng 1, TP.HCM
Đứng trước mỗi ca phẫu thuật, bác sĩ Hùng tự nhủ bản thân phải làm sao khắc phục được tất cả những lỗi mà "tạo hóa" đã khiến em bé phải chịu đựng suốt nhiều năm qua, trả lại cho em một cơ thể hoàn thiện nhất để gạt bỏ hết những mặc cảm, khổ đau mà bản thân em và gia đình đang chịu đựng.
Theo đuổi chuyên ngành ngoại nhi từ cuối những năm 1990, TS.BS Lê Thanh Hùng đã theo chân đàn anh mổ tạo hình cho rất nhiều trường hợp sứt môi, hở hàm ếch ở vùng sâu, vùng xa. Cuối năm 1998, khi có cơ hội được tiếp xúc với phái đoàn Mỹ đến Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật niệu nhi, bác sĩ Hùng bị thu hút bởi chuyên ngành khá mới mẻ. Không chỉ đòi hỏi bàn tay tỉ mỉ, khối óc quyết đoán, những hoàn cảnh trớ trêu mà các em bé gặp phải lỗi "tạo hóa" đã khiến bác sĩ Hùng quyết tâm gắn bó.
Hành trình hơn 30 năm làm nghề của bác sĩ Hùng gắn liền với những đứa trẻ bị khiếm khuyết, dị tật trên cơ thể
"Để trở thành bác sĩ ngoại nhi, đặc biệt là tiết niệu nhi gặp rất nhiều khó khăn vì nó chuyên sâu. Bản thân tôi phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều, trên hết là đam mê. Tôi thấy yêu thích trẻ con, gặp mấy cháu nhỏ bị khiếm khuyết về tiết niệu, sinh dục tôi thương lắm, đó là động lực để tôi theo đuổi hơn 30 năm nay", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Trải qua một hành trình dài gắn bó với nghề, với BV Nhi đồng 1, TP.HCM, điều mà bác Hùng nghĩ tới đầu tiên chính là tình yêu dành cho con trẻ. Dù đôi lúc cuộc sống có nhiều biến động, lên xuống thăng trầm nhưng nghĩ đến lý do bản thân chọn để bắt đầu, bác sĩ Hùng lại tiếp tục, học hỏi, trau dồi tay nghề mỗi ngày để làm sao giúp được càng nhiều trẻ em càng tốt.
Ám ảnh bởi những lời đồn oan nghiệt
Khi tiếp xúc với những em bé bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, có những số phận không may, không chỉ mang đến mặc cảm từ chính bệnh nhi, bác Hùng càng thấu hiểu hơn nỗi đau hiện hữu trên khuôn mặt của các bậc làm cha mẹ. Nhất là bản thân họ nhận về điều tiếng không hay khi những đứa con bị lỗi "tạo hóa", chẳng lành lặn về mặt cơ thể.
"Dị tật bẩm sinh là do quá trình hình thành phôi thai nhưng có một số người dân lại nhìn nhận vấn đề này là do ăn ở của gia đình nên có những lời ra tiếng vào không hay. Tôi đã chứng kiến các bậc làm cha mẹ phải trải qua những lời đồn đại oan nghiệt, ăn ở này nọ mới sinh ra con dị tật, sự chia rẽ của hàng xóm láng giềng, tôi thấy rất tội. Điều đó khiến cho đứa bé mang mặc cảm, cha mẹ mang mặc cảm, đứa bé cũng không được tới trường.
Chính những trường hợp như vậy làm tôi có động lực để phấn đấu trong phẫu thuật. Tôi cố gắng sửa chữa, trả về lại bình thường cho các cháu, làm tốt nhất có thể… may mắn là đều thành công, đó cũng là động lực giúp tôi và đồng nghiệp thực hiện, theo đuổi nghề nghiệp", TS.BS Lê Thanh Hùng xúc động nói.
Sau hơn 30 năm gắn bó với ngoại nhi, với những đứa trẻ mang trong mình khiếm khuyết bẩm sinh, bác sĩ Hùng không nhớ rõ mình đã trải qua bao nhiêu ca phẫu thuật, giúp đỡ bao nhiêu em nhỏ được trở lại là chính mình trong một cơ thể hoàn thiện nhất.
Sau một ca phẫu thuật thành công, niềm vui của gia đình và đứa trẻ đã tiếp thêm động lực cho bác sĩ Hùng tiếp tục công việc
Mỗi lần đứng trước những ca phẫu thuật khó, bác sĩ Hùng và đồng nghiệp lại càng cố gắng hơn để làm sao sau phẫu thuật, đứa trẻ sẽ tốt hơn ban đầu. Nhất là đối với các bé đã phẫu thuật nhiều lần trước đó khiến bộ phận sinh dục bị biến dạng, khó để sửa chữa tiếp…
"Có 1-2 trường hợp tôi phải từ chối vì có phẫu thuật cũng không thể nào giúp đứa trẻ tốt hơn. Nó có rất nhiều lý do, một trong số đó là các lần phẫu thuật trước đã làm hư hết bộ phận sinh dục khiến tôi không thể nào sửa chữa được nữa, buộc phải từ chối, điều này khiến tôi day dứt. Nhưng tôi nghĩ, 1 lần phẫu thuật sẽ để lại ấn tượng cho các em, nếu không thể giúp các em tốt hơn ban đầu thì không nên thực hiện", bác sĩ Hùng trầm ngâm.
Bên cạnh phút chạnh lòng khi nhớ đến số ít trường hợp không thực hiện phẫu thuật được, niềm vui lớn nhất mà bác sĩ Hùng nhận được trong suốt quá trình làm nghề chính là nụ cười hạnh phúc, sự vỡ òa của các bậc cha mẹ và bệnh nhi sau mỗi ca phẫu thuật thành công.
"Niềm vui của gia đình và các bé lan tỏa đến tôi khi bản thân đã góp một phần nào đó thay đổi khiếm khuyết cho các bé. Tôi nhớ lúc tạo hình cho ca Song Nhi, một ca mổ đến giờ vẫn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng.
Đó là một ca phẫu thuật khó, đòi hỏi rất nhiều khiến thức, kỹ năng, may mắn cho đến hiện tại, những tính toán phẫu thuật của tôi đều đi đúng hướng khi di dời bàng quang, tử cung, âm đạo bị lệch của 2 bé được về đúng chỗ", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Có lẽ đến thời điểm hiện tại, điều mà TS.BS Lê Thanh Hùng mong mỏi nhất là làm sao những em bé bị dị tật ở tiết niệu, sinh dục được chữa trị ở những bệnh viện, trung tâm y tế lớn, được các bác sĩ có tay nghề cao hỗ trợ. Để làm sao giảm số lần phẫu thuật, đồng thời tránh những biến chứng, giúp các bé vượt qua mặc cảm, sớm hòa nhập cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác.
Văn Tiên, Di Anh