Gen Z có nhiều trở ngại trên chặng đường thăng tiến trong sự nghiệp. Ảnh: Pexels. |
Gần 3/4 nhà quản lý nhận thấy Gen Z (sinh năm 1996 trở về sau) là những người khó cộng tác nhất, theo một cuộc khảo sát của Resume Builder với hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp.
49% ông chủ thường xuyên cảm thấy thất vọng trong quá trình làm việc cùng thế hệ Z. Chỉ 4% số người được hỏi cho biết chưa bao giờ gặp trở ngại khi giám sát nhóm nhân viên này.
Giống như mọi thế hệ trước, nhóm nhân khẩu học nằm giữa Millennials và Alpha đã trở thành ngôi sao tiêu biểu cho gần như mọi xu hướng mới tại văn phòng, đặc biệt là các phong trào phản đối công việc, theo Fortune.
Gen Z bị hiểu lầm
Với đặc điểm tính cách riêng biệt, Gen Z thúc đẩy những thứ mà bất kỳ người lao động nào cũng mong muốn: sự linh hoạt như nhau, mức lương công bằng và văn hóa công ty tốt. Họ có thể chủ động hơn để thực hiện điều đó.
Khi ngày càng nhiều người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 gia nhập thị trường lao động, các nhà quản lý phải cố gắng tìm cách làm việc với nhóm này. Đây là điều xảy ra mỗi khi một thế hệ mới bước vào “ánh hào quang”.
“Do hậu quả của Covid-19 và giáo dục từ xa, có thể Gen Z thiếu nền tảng để thành công hơn các thế hệ cũ ở những vị trí bắt đầu”, Stacie Haller, cố vấn nghề nghiệp tại Resume Builder, chia sẻ.
Đồng thời, cô cho biết thêm khả năng giao tiếp sẽ không phát triển khi học và làm việc qua trực tuyến.
Tuy nhiên, các nhà quản lý cần phải nhận thức được điều này khi tuyển dụng. Thêm vào đó, không ít ông chủ thường bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh khi nói đến một số phàn nàn của họ về nhân viên Gen Z, đặc biệt là với kỹ năng cứng và đạo đức làm việc.
Một trong những bất bình lớn nhất của nhiều cấp trên với thế hệ Z tại Mỹ (ở mức 39%) là chuyên môn kỹ thuật không đạt yêu cầu.
Nhiều Gen Z gặp khó khăn khi giao tiếp với sếp tại văn phòng. Ảnh: Pexels. |
Người lao động trẻ cũng nhận thức rõ về hạn chế này và cảm thấy xứ cờ hoa chưa trang bị cho họ những yếu tố cần thiết để thăng tiến trong sự nghiệp.
“Có một khoảng cách rõ ràng về khả năng tiếp cận và ứng dụng các tài nguyên giáo dục giữa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và nhóm có điều kiện dư dả. Nó ngày càng rộng ra do đại dịch. Chúng tôi biết điều này không chỉ là vấn đề học thuật hay công bằng xã hội”, Rose Stuckey Kirk, giám đốc tại công ty Verizon, nói với Fortune.
Việc thiếu chuyên môn có thể gây khó chịu cho các nhà quản lý, nhưng đó cũng là một thách thức không kém đối với Gen Z, những người thường được yêu cầu giải thích những công cụ kỹ thuật số mới nhất cho đồng nghiệp của mình.
Do kỳ vọng này, nhiều nhân viên trẻ cảm thấy áp lực hơn so với đồng nghiệp lớn tuổi hơn khi gặp sự cố trong thời gian làm việc.
Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo còn chỉ ra những vấn đề liên quan đến nhóm này là thiếu nỗ lực, động lực và năng suất. Đánh giá trên có thể xuất phát từ xu hướng bỏ việc trong im lặng (quiet quitting), âm thầm làm việc ở mức tối thiểu, không nhận thêm ngoài trách nhiệm.
Các ông chủ thà làm việc với Millennials
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, Gen Z cũng là một thế hệ toàn những người nghiện công việc - đảm đương nhiều nghề cùng lúc để kiếm thêm thu nhập. Họ thích đến văn phòng để làm việc quả hơn và tìm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, theo Fortune.
Một cuộc khảo sát mới với 3.400 người từ 11 quốc gia do Viện Lực lượng lao động Australia thực hiện cho thấy mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học nằm ở mức kỷ lục, chỉ một nửa cảm thấy đủ sẵn sàng để tham gia thị trường việc làm.
Hơn 1/4 (26%) nói rằng không tự tin khi đàm phán, trong khi 24% cho biết họ chưa sẵn sàng để làm việc nhiều giờ và 21% không muốn bị người khác quản lý.
Gần 23% trả lời rằng không chắc chắn về cách quản lý các xung đột tại văn phòng.
Mặc dù vậy, 32% Gen Z vẫn tin rằng họ là thế hệ làm việc chăm chỉ nhất. Nhóm này thừa nhận sẽ siêng năng hơn nữa nếu công ty cho phép sắp xếp thời gian linh hoạt.
Thế hệ Z mong muốn được làm việc linh hoạt và không bị giám sát bởi người khác. Ảnh: Insider. |
Bất chấp điều đó, phần lớn nhà quản lý (65%) đã đưa Gen Z lên đầu danh sách sa thải trước bất kỳ thế hệ nào khác.
Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đã sa thải những người sinh sau năm 1996 và 12% đuổi việc nhân viên trẻ chưa đầy một tuần sau ngày bắt đầu.
Trong số những người trả lời không thích làm việc với Gen Z, 34% muốn cộng tác với thế hệ Millennials vì năng suất và kinh nghiệm. Tiếp theo, họ thà thuê Gen X bởi sự tận tụy cống hiến và trung thực.
Có lẽ thời thế đã thay đổi, nhiều Gen Y hiện nắm giữ vai trò quản lý, những người lần đầu tiên điều hướng làm việc với một thế hệ mới.
Ngay cả Gen X cũng đang thúc đẩy mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường như chưa từng có ở cùng một giai đoạn cuộc đời.
Có lẽ một ngày không xa, Gen Alpha (sinh từ sau năm 2010) sẽ tiếp nối vị trí của thế hệ Z khi trở thành những nhân viên ít được yêu thích nhất.
Theo Zing