"Chúng tôi không thiếu tiền mua nước, nhưng phải sống nhờ sự trợ cấp"
Bước sang ngày thứ 10 bị cắt nước, hàng chục nghìn cư dân khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã quen với việc xách xô đi xin từng giọt nước "như thời bao cấp" đến tận nửa đêm.
Sau nhiều phản ánh, một số tòa được cấp nước trở lại theo lịch của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, song lượng nước không ổn định, bị cảnh báo "nhiễm khuẩn E.coli", nên người dân chỉ sử dụng vào những mục đích không thiết yếu như: giặt, rửa, dội nhà vệ sinh…
Anh Trịnh Đức Hưng (tòa HH03A-B1.3) nói ban ngày đi làm, tối về vẫn phải xếp hàng dưới sân chung cư, chắt chiu nước sạch từ xe bồn mà các mạnh thường quân ủng hộ. Quy trình này đã lặp đi lặp lại nhiều ngày qua khiến anh mệt mỏi.
Còn chị Lê Nga (HH03A-B2.1) xin nước sạch nhà người thân, nhờ anh trai dùng xe bán tải chở nước về từ huyện Gia Lâm cách khu đô thị Thanh Hà hàng chục km.
"Nguồn nước được cấp trở lại rất nhỏ giọt, bị nhiễm khuẩn, nên chúng tôi không dám sử dụng để ăn uống hay tắm rửa", chị Nga nói.
Anh Phan Minh Châu (Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, sống tại tòa HH03A-B1.3) cho biết lượng nước được cấp trở lại trong thời gian ngắn, chỉ đủ cư dân sử dụng trong 15 - 30 phút.
Nhiều thời điểm, nước không được cấp theo đúng lịch điều phối mà Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà đã công bố trước đó.
Người dân bày tỏ lo ngại nguồn nước được cấp không đảm bảo chất lượng do truyền tải qua hệ thống bể, đường ống chưa được sục rửa của trạm cấp nước Thanh Hà.
Họ cũng phản ánh chất lượng nguồn nước không an toàn bởi "trạm cấp nước cách nghĩa trang chưa đến 500m, gần kênh nước ngập rác thải, bốc mùi, có dấu hiệu ô nhiễm"...
"Chúng tôi muốn biết nước được cấp trở lại có thực sự đảm bảo an toàn hay không?", anh Châu đặt câu hỏi trong buổi họp chiều 24/10 tại trụ sở UBND xã Cự Khê về "khủng hoảng nước" của khu đô thị Thanh Hà.
Trước vấn đề này, ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, cho biết chưa có kết quả xét nghiệm mẫu nước từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nên chưa thể trả lời.
Người dân cũng thắc mắc về lượng nước chính xác được cấp về khu đô thị Thanh Hà. Bởi trên thực tế, 23 tòa nhà với hơn 30.000 người dân có nhu cầu tối thiểu 3.500m3/ngày đêm. Theo báo cáo hiện nay, lượng nước cấp về là 3.000m3/ngày đêm nhưng vẫn thiếu trầm trọng.
Ông Nguyễn Đốc Thông, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, cho biết tại 3 bể của các tòa nhà lượng nước được cấp chỉ bằng những ngày trước hoặc ít hơn. Ông đề nghị UBND huyện Thanh Oai thành lập tổ giám sát tại các điểm trung chuyển giữa các nhà máy nước về đến bể của khu đô thị.
"Chúng tôi cũng đề nghị sớm niêm phong các bể ngầm để kiểm tra chất lượng nguồn nước", ông Thông nói.
Trong khi đó, quá chán nản trước cảnh mỗi ngày phải đi xin nước sạch, một cư dân bày tỏ: "Chúng tôi không thiếu tiền mua nước, nhưng phải sống nhờ sự trợ cấp của người khác. Đáng nhẽ Công ty nước sạch Thanh Hà phải cấp nước sạch cho người dân trong thời gian khắc phục sự cố".
Niêm phong bể ngầm, sục rửa toàn bộ đường ống
Trong cuộc họp chiều 24/10, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, cho biết sáng 23/10 Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp cùng các bên liên quan, tiếp tục "tìm lời giải" cho cơn "khát" nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà.
Theo ông Khiển, khu đô thị này cần tối thiểu 3.500m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu của hàng chục nghìn người dân. Trong bối cảnh thiếu nước liên tục 10 ngày qua, nguồn cung này phải tăng lên 5.000 m3/ngày đêm mới bù được "và sau 7-10 ngày nguồn nước mới trở lại bình thường như trước".
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thống nhất với đơn vị cấp nước sẽ điều tiết nước sạch từ ba đơn vị: Công ty nước mặt sông Đuống, sông Đáy và nước Hà Nội về Công ty cổ phần nước sạch Hà Đông để đơn vị này cấp lại cho khu đô thị Thanh Hà.
Từ 12h ngày 24/10, các đơn vị đã bắt đầu bơm nước từ ba nguồn trên. Qua kiểm tra, lượng nước chỉ đạt 180-190m3/giờ, nếu cấp liên tục 24 giờ chỉ đạt hơn 4.000m3/ngày đêm, chưa được như kỳ vọng.
"Để rà soát việc này, chúng tôi sẽ thành lập tổ giám sát, mỗi ngày kiểm tra một lần để nắm được tổng nguồn cung là bao nhiêu rồi phản hồi với Sở Xây dựng. Việc điều tiết nước đến các tổ dân phố sẽ do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà phụ trách", ông Khiển nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho hay Sở Xây dựng đã thống nhất giao Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà phối hợp Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà tiến hành thau rửa bể nước và sục rửa toàn bộ đường ống nước, sau đó cấp nước trở lại rồi lấy mẫu xét nghiệm công khai.
"Nước sạch và an toàn, bà con mới yên tâm sử dụng", ông Khiển nói.
Trong thời gian thau rửa, Sở yêu cầu chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư phát triển địa ốc Cienco 5) bổ sung 5 bồn nước từ 5m3 đến 20m3, đặt cố định dưới sảnh các tòa nhà, cấp nước cho cư dân.
Trước khi sục rửa bể, đường ống, các đơn vị phải thông báo kế hoạch cụ thể để người dân nắm được và chủ động.
Đại diện Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà cho hay đơn vị sẽ bàn với Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà đưa ra kế hoạch tổng thể, sục rửa đường ống nước trước khi thau rửa bể theo hình thức cuốn chiếu tại mỗi tòa nhà.
"Để khắc phục mất nước cục bộ, chúng tôi đã điều 2 téc nước lớn 20m3 tại 2 cụm HH01 và HH02", vị đại diện thông tin.
Huyện Thanh Oai cũng đề nghị chủ đầu tư có buổi niêm phong bể nước ngầm công khai. Trước đó, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đã dừng cấp nước từ nguồn khai thác ngầm này để kiểm tra chất lượng nước theo yêu cầu của cư dân.
"Nếu người dân chưa yên tâm sẽ cho mục sở thị trực tiếp khu vực nguồn nước ngầm đã dừng hoạt động", ông Khiển nhấn mạnh.
Minh Nhân