3 ông lớn ngân hàng quốc doanh lãi tổng 1 tỷ USD

Tổng lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank đạt trên 24.120 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD quy đổi.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm. Trong khi một số ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, LPBank… cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại thì nhóm ngân hàng quốc doanh cho thấy con số ngược lại.

So với cách đây 2 năm, lợi nhuận quý I của BIDV, VietinBank, Vietcombank tăng hơn gấp đôi.

3 ngân hàng lãi tổng 1 tỷ USD

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố của Vietcombank, nhà băng này quý đầu năm nay đã lấy lại "ngôi vương" lợi nhuận với 11.221 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, cách biệt lớn so với những ngân hàng còn lại.

Quý đầu năm ngoái, VPBank soán ngôi đầu bảng lợi nhuận, do ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 7.000 tỷ đồng - cao hơn nhiều so với lợi nhuận tạo ra được từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Phần lớn khoản thu bất thường này đến từ việc ghi nhận doanh thu trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với Bảo hiểm AIA.

Năm nay, khi VPBank sụt giảm lợi nhuận tính bằng lần thì Vietcombank đã lấy lại ngôi đầu toàn ngành.

Trong quý I, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 18,6% so với cùng kỳ, lên 14.203 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 12,1%, đạt 1.706 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh cũng tăng tới 81%. Hoạt động kinh doanh khác mang về cho ngân hàng 1.083 tỷ đồng lãi thuần, tăng mạnh 123%.

So với khoản lãi hơn 4.715 tỷ đồng quý I/2021, cách đây 2 năm, lợi nhuận của Vietcombank tăng 2,3 lần.

Chưa kể, nhà băng này còn "khoản để dành" lớn khi tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng luôn đạt mức cao nhất hệ thống. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng có chất lượng tài sản được cho là lành mạnh khi nợ xấu duy trì ở mức thấp, chỉ chiếm 0,85% tổng dư nợ đến cuối quý đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ này cũng đã tăng so với mức 0,68% thời điểm cuối năm 2022.

BIDV lại là nhà băng quốc doanh quý đầu năm nay bứt phá mạnh nhất, với mức lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng gần 53%, lên 5.940 tỷ đồng.

Trong kỳ, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng - đạt 13.936 tỷ đồng, tăng 8,7%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 19% và 15%. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng gần 32%. Hoạt động kinh doanh chứng khoán ghi nhận lãi 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ xấu của BIDV cũng tăng từ 17.622 tỷ đồng, lên 24.730 tỷ đồng, tức chiếm 1,59% tổng dư nợ cho vay khách hàng, so với mức 1,19% trước đó. Tiền gửi khách hàng 1,6% lên 1,473 triệu tỷ đồng, còn cho vay khách hàng tăng 4,6%, đạt 1.552 tỷ đồng.

Còn tại VietinBank, đà tăng trưởng có phần chậm hơn khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2023 ước đạt 5.940 tỷ đồng, chỉ tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập lãi thuần của nhà băng này tăng trưởng 24,8%, đạt 12.666 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 56%, lên hơn 2.000 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gần 50%, đạt 1.173 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư lãi 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 233 tỷ đồng.

Dự phòng rủi ro tín dụng cũng là khoản chi phí quan trọng. Danh mục cho vay khách hàng được phân loại làm 5 nhóm, tương ứng với khả năng thu hồi nợ khác nhau. Ngân hàng phải trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro.

Sau 2 năm 2020-2021 đẩy mạnh trích lập, đặc biệt cho các khoản vay cơ cấu lại thời hạn trả nợ vì dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã phần nào trút bỏ được áp lực này trong 2022, qua đó, cải thiện lợi nhuận trước thuế.

BIDV - nhà băng năm ngoái ngắt được xu hướng chi phí dự phòng liên tiếp đi lên trong suốt 5 năm liền, quý đầu năm nay tiếp tục cắt giảm 25% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ, từ hơn 7.300 tỷ đồng xuống còn hơn 5.500 tỷ đồng. Chi phí này cũng được Vietcombank cắt giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 252 tỷ đồng. Trong khi đó, VietinBank lại tăng 2.297 tỷ đồng chỉ tiêu này.

BIDV hiện là nhà băng có tài sản lớn nhất hệ thống với quy mô hơn 2,106 triệu tỷ đồng, song cũng là đơn vị duy nhất ghi nhận chỉ tiêu này giảm. Trong khi đó, tổng tài sản của Vietcombank đã tăng 1,8%, lên mức 1,846 triệu tỷ đồng còn chỉ tiêu này ở VietinBank tăng 0,9%, lên 1,823 triệu tỷ đồng.

Agribank - nhà băng còn lại nhóm quốc doanh - hiện chưa công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm. Năm ngoái, đơn vị này lãi trước thuế năm 2022 đạt 22.087 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước đó, đứng thứ 5 về lợi nhuận toàn ngành, sau Vietcombank, Techcombank, BIDV và MB.

Big 4 chuẩn bị tăng vốn

Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, song quy mô vốn điều lệ thấp, phần nào tạo áp lực lên nhóm nhà băng này.

Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các khu vực của ngân hàng đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đến hết 2022 tăng trưởng 9,8% so với đầu năm, huy động vốn tăng hơn 5%.

3 ông lớn ngân hàng quốc doanh lãi tổng 1 tỷ USD - 1

Big 4 sẽ tăng vốn "khủng" trong năm nay? (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trong tương lai, Agribank dự kiến được tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng, sau đề xuất của Chính phủ. Vốn điều lệ của Agribank đạt gần 34.330 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Như vậy, vốn của nhà băng có khả năng tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.

Còn Vietcombank, VietinBank và BIDV vẫn là những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp nhất trong các ngân hàng, dù vẫn đáp ứng yêu cầu trên 8% theo quy định của Thông tư 41. Do vậy, lãnh đạo các nhà băng đều lên kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế để tăng nguồn lực tài chính.

Năm nay, Vietcombank dự kiến phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 75.000 tỷ đồng. Cổ đông BIDV trong phiên họp thường niên mới đây cũng đã thông qua phương án phát hành 1,097 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên trên 61.557 tỷ đồng.

VietinBank trong phiên họp thường niên cũng được cổ đông thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ từ hơn 48.000 tỷ đồng hiện tại lên 66.000 tỷ đồng thông qua nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2021 và phần lũy kế đến năm 2016.