Bạn mời cưới, người đàn ông sốc nặng khi đọc nội dung trên thiệp

Ban đầu, người đàn ông dự định đưa cả gia đình đi ăn cưới bạn. Tuy nhiên đọc quy định ghi trên thiệp cưới, anh quyết định đi một mình.

Mừng phong bì tiền khi đến dự đám cưới là phong tục ở nhiều quốc gia châu Á. Đây vừa là lời chúc phúc cho cuộc hôn nhân của cô dâu chú rể, đồng thời cũng được coi là một nguồn "vốn" nhỏ để cô dâu chú rể xây dựng tổ ấm mới.

Tuy nhiên, mừng cưới bao nhiêu là vấn đề khá nhạy cảm. Thông thường, giá trị của phong bì thường dựa vào độ thân thiết giữa người được mời với cô dâu chú rể và khả năng tài chính của người đó. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào về việc bắt buộc phải mừng cưới bao nhiêu. Do đó, câu chuyện dưới đây đã khiến rất nhiều người bất ngờ và gây tranh cãi.

Câu chuyện được một người đàn ông Malaysia chia sẻ lên trang mạng xã hội Facebook. Theo tờ báo Oriental Daily, người đàn ông này được một người bạn gửi thiệp mời tới tham dự đám cưới tại thị trấn Rawang, thuộc quận Gombak, bang Selangor, Malaysia, cách trung tâm thủ đô Kuala Lumpur khoảng 23 km về phía tây bắc.

Sau khi nhận thiệp mời, người đàn ông này dự định đưa cả vợ và 2 đứa con tới chung vui tại đám cưới. Tuy nhiên, sau khi đọc "quy định" in trên thiệp, người đàn ông sốc nặng trước yêu cầu của bạn mình.

Theo đó, mỗi khách đến dự phải mừng cưới ít nhất 250 ringgit Malaysia (MYR) (tương đương hơn 1,3 triệu đồng). Nếu dựa trên nội quy của thiệp cưới, cả nhà người đàn ông là 4 người thì anh sẽ phải mừng phong bì ít nhất 1.000 MYR (hơn 5,3 triệu đồng). Số tiền lớn này đã vượt quá khả năng tài chính của anh, vì thế anh không thể đưa vợ con đi cùng được nữa mà đành phải đi một mình.

Không chỉ yêu cầu tiền mừng cưới, trên tấm thiệp cưới còn in cả số tài khoản ngân hàng và mã QR code của cô dâu chú rể để khách mời thuận tiện chuyển tiền mừng. Nếu khách chuyển tiền trực tuyến, họ được yêu cầu in biên lai giao dịch và bỏ vào trong phong bì để nhân viên lễ tân tại đám cưới có thể xác nhận.

Người đàn ông cho biết anh rất sốc và choáng trước những điều này, còn tự hỏi đây có phải là xu hướng tại các đám cưới hiện nay hay không? Những điều đó khiến anh cảm thấy không thoải mái và vui vẻ khi tới dự đám cưới bạn nữa.

Câu chuyện này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng với những bình luận trái chiều:

"Tôi không lấy làm lạ về chuyện này, bởi tôi từng nhận được thiệp cưới của bạn ghi rằng đám cưới sẽ không phục vụ rượu và khách phải tự mang theo".

"Đám cưới được tổ chức để cô dâu chú rể chung với gia đình, người quen và bạn bè, chứ không phải dịp để làm ăn".

"Trẻ em và người cao tuổi thì có được giảm giá không?".

"Nếu cô dâu chú rể không có đủ khả năng tài chính, họ có thể tổ chức đám cưới một cách giản dị, thay vì đưa ra quy định "cắt cổ" về tiền mừng như thế".

"Thực ra đây cũng là một cách thông minh và khéo léo để tránh tình trạng một số người mừng cưới quá ít"...

Trái ngược với câu chuyện trên, vào năm ngoái, một cặp đôi ở Trung Quốc từng gây sốt mạng xã hội với ý tưởng đám cưới "không tiền mừng".

Chú rể họ Trần và cô dâu họ Thi ở Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, gửi những tấm thẻ "không cần tiền mừng" kèm thiệp mời đến bạn bè và họ hàng trong độ tuổi kết hôn.

Lấy cảm hứng từ thiết kế của vé xem phim, tấm thẻ đặc biệt của Trần và Thi có mặt trước là tên người nhận, nửa còn lại là thông tin đám cưới. Trên thẻ, cặp uyên ương ghi thông điệp "Tình bạn là vô giá" và "Chúng tôi đã nhận được những lời chúc tốt đẹp của bạn".

Những khách mời nhận thẻ được yêu cầu bỏ vào một chiếc phong bì đỏ để thay thế tiền mừng khi đến hôn lễ. Trần và Thi cũng có thể sử dụng lại tấm thẻ này khi tham dự ngày vui của những người nhận được.

Anh Trần cho biết đã gửi thẻ cho hơn 20 người bạn và người thân cùng trang lứa, hầu hết họ đều vui vẻ chấp nhận ý tưởng này của hai vợ chồng, trong khi những khách mời lớn tuổi vẫn gửi tiền mừng theo truyền thống. Một số khách mời gọi đây là "phát minh của thế kỷ 21" và cho rằng "nên được quảng bá trên toàn quốc".

Theo anh, ý tưởng là nhằm đơn giản hóa đám cưới của họ, bởi nghi lễ truyền thống đang là gánh nặng tài chính ngày càng tăng đối với nhiều người.

"Để không tạo áp lực cho nhau, vợ tôi đã đề xuất ý tưởng này", Trần cho biết. "Vợ chồng tôi nghĩ rằng cả hai đã có một đám cưới hoàn hảo. Mọi người đều vui vẻ và chúng tôi cũng nhận được nhiều lời chúc tốt đẹp".

Minh Hoa (t/h)