Bão Alfred áp sát đất liền, dự báo tăng cấp khi đổ bộ

Cơn bão Alfred đang di chuyển về phía bờ biển đông nam Queensland, Australia với sức gió tương đương cấp 2. Theo dự báo, trước khi chạm vào đất liền vào đêm 6/3, bão có khả năng tiếp tục gia tăng cường độ.
bao-alfred-ap-sat-dat-lien-du-bao-tang-cap-khi-do-bo1-1741150731.jpg
Dự báo đường đi của bão Alfred. Ảnh: Bureau of Meteorology Australia

Dự báo mới nhất từ Weatherzone cho biết, bão Alfred đang di chuyển về phía đông nam Queensland với sức gió tương đương bão nhiệt đới cấp 2. Vào lúc 7h sáng ngày 5/3 (giờ Đông Australia), tâm bão nằm cách Brisbane khoảng 425km về phía đông, duy trì tốc độ di chuyển khoảng 11km/h theo hướng tây.

Hình ảnh vệ tinh sáng 5/3 cho thấy Alfred có cấu trúc khá đặc biệt so với những cơn bão nhiệt đới thông thường. Các khối mây đối lưu dày đặc thường bao quanh tâm bão lại không xuất hiện rõ ràng, cho thấy ảnh hưởng của không khí khô và gió đứt đang tác động lên hệ thống bão, kìm hãm sự phát triển của nó trong suốt 24 giờ qua.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo rằng Alfred có thể sẽ mạnh lên trong những giờ tới khi tiến gần bờ biển đông nam Queensland. Lý do chính là cơn bão sắp đi qua vùng Dòng hải lưu ấm Đông Australia (EAC), nơi có nhiệt độ nước biển cao hơn mức cần thiết để cung cấp năng lượng cho bão.

Các cơn bão nhiệt đới cần nhiệt độ bề mặt biển tối thiểu 26,5°C để duy trì và gia tăng cường độ. Trước đó, Alfred đã di chuyển qua khu vực biển có nhiệt độ dao động từ 25-26°C. Nhưng trong ngày 5 và 6/3, khi tiến sâu hơn vào vùng biển nóng ấm với nhiệt độ bề mặt khoảng 27°C, khả năng bão mạnh lên là rất cao.

bao-alfred-ap-sat-dat-lien-du-bao-tang-cap-khi-do-bo-1741150731.jpg
Vị trí của bão Alfred. Ảnh: Bureau of Meteorology Australia

Ngoài việc di chuyển vào vùng nước biển ấm hơn, giúp cung cấp thêm năng lượng, bão Alfred còn được hưởng lợi từ sự suy yếu của gió đứt theo phương thẳng đứng. Điều này góp phần củng cố thêm sức mạnh cho cơn bão khi nó tiến gần đất liền.

Dự báo cho thấy, khi đổ bộ, Alfred có thể duy trì sức gió cấp 2, với gió giật mạnh lên tới 155 km/h tại khu vực gần tâm bão. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định khả năng Alfred tăng cường lên cấp 3 trước khi chạm bờ là khá cao, đồng nghĩa với việc sức gió giật có thể vượt mức 165 km/h.

Hiện tại, Alfred được dự báo sẽ tiếp cận khu vực gần hoặc phía nam thành phố Brisbane vào đêm 6/3 hoặc sáng 7/3. Những khu vực nằm gần hoặc ở phía nam tâm bão sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với gió mạnh, mưa lớn và sóng cao có thể gây ra tình trạng ngập lụt ven biển.

Theo tin tức mới nhất từ ABC News, sự hình thành của bão Alfred là một hiện tượng hiếm gặp. Cơn bão này xuất hiện tại nam Thái Bình Dương cùng thời điểm với hai cơn bão khác là Rae và Seru. Cả ba cơn bão đều được sinh ra từ một rãnh áp thấp duy nhất—một sự kiện rất ít khi xảy ra trong khu vực này.

Trong số đó, bão Rae đang di chuyển về phía Fiji, gây thiệt hại cho một số đảo trước khi suy yếu, trong khi bão Seru đã tan dần sau khi quét qua vùng biển ngoài khơi Vanuatu.

Giáo sư Liz Ritchie-Tyo, chuyên gia về khoa học khí quyển tại Đại học Monash, nhận định: "Hiện tượng này diễn ra rất mạnh mẽ khắp bán cầu nam, không chỉ ở nam Thái Bình Dương. Hai cơn bão hình thành xung quanh Madagascar, phía bên kia của nam Ấn Độ Dương, nên thực tế có rất nhiều sự kiện xảy ra cùng lúc".

Thông thường, bão nhiệt đới khi tiến vào Australia có Xu hướng di chuyển nhanh và đổ bộ với sức mạnh lớn. Nhưng Alfred lại có quỹ đạo khác biệt khi duy trì tốc độ chậm và di chuyển song song với bờ biển, làm tăng thời gian ảnh hưởng đến khu vực ven biển.

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Khí tượng Australia sáng 5/3, bão Alfred hiện đang tiến về phía tây với vận tốc 16 km/h. Chính tốc độ di chuyển chậm này đã kéo dài tình trạng biển động mạnh trong nhiều ngày qua. Gần 1.000 km dọc bờ biển phía đông Australia, từ Forster (New South Wales) đến Sandy Cape (gần Bundaberg), hiện đang nằm trong danh sách cảnh báo nguy hiểm ven biển do ảnh hưởng của bão Alfred.