Những ngày này, bà Quỳnh Hương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tất tả ngược xuôi chuẩn bị cho buổi lễ khai trương cơ sở spa của mình. Xuất thân là kế toán với nhiều năm làm việc ở các công ty lớn, bà nghỉ việc và mở một spa nhỏ để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, con cái.
Nhiều người khuyên bà ngành này lãi cao, nhu cầu làm đẹp lại ngày càng tăng, khách hàng cũng không tiếc tiền, nên bà nhanh chóng cải tạo một căn nhà đang cho thuê để làm spa.
"Nào ngờ thị trường quá loạn với máy móc đủ mức giá, còn nhân sự từ bác sĩ đến kỹ thuật viên cũng đủ loại trình độ... Sát ngày hoàn thiện mặt bằng nhưng tôi vẫn rất chật vật, ngụp lặn giữa quá nhiều thứ chưa chốt được, trong khi chi phí đầu tư liên tục phát sinh”, bà Hương giãi bày.
Dù vậy, bà cho rằng bản thân vẫn có lợi thế khi không tốn tiền thuê mặt bằng. Nếu spa đi vào hoạt động hiệu quả, dòng tiền thu về hàng tháng có thể tốt hơn cho người khác thuê. Còn nếu không, bà vẫn có thể đóng cửa spa và cho thuê lại mặt bằng đã cải tạo với giá cao hơn.
Mỗi tháng bù lỗ hàng trăm triệu đồng
Trên thực tế, không nhiều chủ spa tự tin như vậy. Chia sẻ với Zing, bà Thu Vân - chủ một spa ở quận 1, TP.HCM - cho hay gần một năm qua, mỗi tháng bà đều phải bù lỗ 200-300 triệu đồng để duy trì cơ sở.
“Tôi mở spa từ tháng 8/2022. Khi đó, tôi được vẽ ra một viễn cảnh màu hồng rằng kinh doanh spa lãi cao, cỡ nửa năm đến một năm là huề vốn. Tổng chi phí đầu tư ban đầu hơn 4 tỷ đồng, nhưng mỗi tháng doanh số chỉ trên dưới 300 triệu, còn không đủ bù vận hành”, bà Vân nói.
Nhiều spa chật vật vì ế ẩm, khách chắt bóp chi tiêu, chỉ sử dụng các dịch vụ cơ bản. Ảnh: Lan Anh. |
Tại cơ sở này, khấu hao máy móc và vật tư chiếm khoảng 45% chi phí hàng tháng, lương bác sĩ và nhân viên 20%, còn lại là chi phí quảng cáo và vận hành. Những tháng đầu hoạt động, bà dành nhiều ngân sách cho marketing, nhưng càng ngày bà càng nhận ra khó cạnh tranh theo cách này, bởi có những đơn vị chi đến 60% cho quảng cáo.
“Khi 60% ngân sách được đổ vào marketing, thì khoản đầu tư cho máy móc, thuốc men, mỹ phẩm gần như không đáng kể, khó đạt hiệu quả cho khách. Vậy nên thay vì chạy đua khuyến mãi, quảng cáo, tôi tập trung vào đội ngũ bác sĩ, liệu trình và dịch vụ, để khách thấy hiệu quả rồi giới thiệu khách mới. Tôi không cần hoàn vốn nhanh nữa, tôi nghĩ như vậy mới bền”, bà chia sẻ.
Bà ước tính trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, ít nhất phải sau 5 năm mới có thể hoàn vốn. Tuy nhiên, bà thừa nhận khó xác định chính xác thời gian, bởi công nghệ ngành này cập nhật không ngừng nên phải tái đầu tư liên tục.
Mặt khác, tồn kho cũng luôn ở mức cao do phải nhập vật tư tiêu hao, thuốc men, mỹ phẩm số lượng lớn, cỡ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mới được chiết khấu 5-10%. Vì vậy, để có giá tốt, cơ sở của bà luôn tồn kho ít nhất 400-500 triệu đồng.
“Tôi sẽ không kỳ vọng lợi nhuận quá nhiều ở spa này, mà chỉ coi đây là niềm vui, là nơi chăm sóc sắc đẹp cho bản thân và bạn bè, đối tác”, bà Vân nói và cho biết không quá lo ngại, vì nguồn thu chính của gia đình vẫn đến từ công ty nội thất lớn ở Bình Dương.
Còn với bà Hoàng Vy - chủ một cơ sở spa quy mô nhỏ ở quận 6, TP.HCM và một spa tại nhà ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, toàn bộ chi phí đầu tư hàng tỷ đồng đến nay vẫn chưa thể thu hồi, dù đã kinh doanh hơn 6 năm.
Bà kể thời điểm mới mở, bà có gia đình hỗ trợ và có sẵn nguồn khách quen nên mạnh tay đầu tư cho máy móc, thiết bị. Đến 2019, chưa hoàn vốn nhưng thấy thị trường phát triển nên bà tiếp tục chi thêm 300 triệu đồng cải tạo mặt bằng ở TP.HCM.
"Nào ngờ chưa bao lâu thì dịch ập đến, tôi ôm số nợ lớn với gia đình. Nay hoạt động lại hơn một năm nhưng khách giảm mạnh, tôi vẫn chưa để dành được khoản nào để trả nợ”, chị Vy giãi bày.
Spa mọc lên như nấm, thị trường vào giai đoạn đào thải
Theo bác sĩ da liễu T.A., người có 15 năm kinh nghiệm trong nghề, đồng thời là chủ một thẩm mỹ viện ở TP.HCM, thị trường làm đẹp hậu Covid-19 đã bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn, sau giai đoạn phát triển thần tốc 2016-2019.
“Spa, thẩm mỹ viện mọc lên như nấm suốt những năm qua với hàng loạt phương pháp, dịch vụ. Việc học nghề dễ dàng hơn nên bác sĩ ngành này cũng nhiều vô kể. Nhưng cũng vì thị trường phát triển, khách hàng dần có kiến thức tốt hơn. Do đó, chỉ những nơi nào thật sự chất lượng, sử dụng máy móc, thuốc men chính hãng mới có thể tồn tại, còn lại sẽ sớm bị đào thải”, vị bác sĩ chia sẻ.
Bà thừa nhận dù thành lập cơ sở trong năm 2019 với bối cảnh thị trường chung không mấy thuận lợi, nhưng tình hình kinh doanh của bà lại khá tốt. Còn khi Covid-19 qua đi, một đợt bùng nổ mới của spa, thẩm mỹ viện trở lại, bà lại chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Thực tế, theo ghi nhận của Zing, một chuỗi phòng khám chuyên khoa da liễu lớn với 7 chi nhánh ở TP.HCM cũng đã thu hẹp quy mô hoạt động, hiện chỉ còn giữ lại 3 địa điểm. Với những nơi còn mở cửa, doanh số cũng giảm mạnh vì vắng khách và chi tiêu của mỗi khách không còn cao.
Spa, thẩm mỹ viện mọc lên như nấm suốt những năm qua. Trong ảnh là các cơ sở nối đuôi nhau tọa lạc trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TP.HCM thời điểm tháng 9/2020. Ảnh: Chí Hùng. |
Dù vậy, bác sĩ T.A. vẫn nhìn nhận dư địa cho ngành này còn lớn, bằng chứng là cứ tiệm này đóng lại sẽ có tiệm khác mọc lên. “Ví dụ ngày xưa có 1 spa nhưng chỉ có 1 người muốn làm đẹp, còn nay có 10 spa nhưng có đến 20 người muốn làm đẹp. Điều quan trọng là tiếp cận và giữ chân khách hàng như thế nào”, bà nhìn nhận.
Phân tích cụ thể hơn, bà cho biết có 3 phân khúc chính trên thị trường. Thứ nhất là các spa bình dân, thường chỉ đầu tư máy móc tầm trung, tổng cộng khoảng 500 triệu đồng trở xuống, chủ yếu chỉ có các dịch vụ như massage, nặn mụn, đắp mặt nạ... Kế đến là những cơ sở với chi phí đầu tư khoảng vài tỷ đồng. Ở cả hai phân khúc này, phần lớn nguồn lực dành cho đội ngũ marketing và sales.
Còn với những spa, thẩm mỹ viện cao cấp, có những loại máy lên đến hàng tỷ đồng. “Biên lợi nhuận phụ thuộc vào phân khúc khách hàng và mô hình cơ sở lựa chọn. Nhưng dĩ nhiên, với những cơ sở cao cấp, việc chạy đua công nghệ rất quan trọng để không bị tụt hạng, do đó lợi nhuận giữ lại không nhiều, chủ yếu để tiếp tục tái đầu tư”, bà chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, bác sĩ Bùi Khánh Như - người có nhiều năm làm việc và hợp tác với các spa, thẩm mỹ viện lớn - cho rằng bối cảnh hiện nay càng bộc lộ rõ những bất ổn của thị trường làm đẹp.
“Spa là ngành kinh doanh đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn cao bởi có thể xảy ra biến chứng, để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người trong nghề lại không nhận thức rõ điều này”, bà nói.
Theo ghi nhận của Zing, trên thị trường hiện có không ít spa chất lượng kém, chỉ tập trung vào quảng cáo, khuyến mãi, do đó phải đổi tên liên tục để trốn tránh khách hàng. Cũng vì vậy, họ có thể mở rộng thành chuỗi một cách thần tốc. Những nơi này thậm chí còn có phòng riêng để tiếp khách hàng đến phàn nàn, khiếu nại, để không cản trở đến hoạt động tư vấn, phục vụ các khách hàng khác.
Bác sĩ Như nhấn mạnh khi hiểu biết của khách hàng đã ở mức cao như hiện nay, nếu muốn kinh doanh bền vững, các chủ cơ sở cần chú trọng đầu tư vào đội ngũ bác sĩ, nhân sự cũng như trang thiết bị, thuốc men chính hãng. Đặc biệt, trong bối cảnh chi tiêu cho làm đẹp chưa hồi phục, chủ đầu tư cũng phải chủ động nguồn vốn đảm bảo trong ít nhất nửa năm.
“Với thị trường hiện tại, nếu hoạt động bài bản và đông khách, thì sớm nhất phải sau 2 năm mới lấy lại được tiền đầu tư. Còn nếu muốn lấy tiền nhanh, phát triển thần tốc thì chỉ có thể nhập hàng xách tay, không rõ nguồn gốc... Đó là lý do khách hàng sẽ thấy cùng một dịch vụ, cùng một liệu trình, nhưng giá cả có khi chênh nhau từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng”, bà nói.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.