Chạy 10 vòng quanh sân trường, nam sinh tổn thương gan và thận

Nam sinh ở TP.HCM than mệt và ngất xỉu sau khi chạy 10 vòng quanh sân bóng vào buổi sáng.

Thông tin trên Vietnamnet cho hay, sáng ngày 5/5, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là em T.T.K.14 tuổi trong tình trạng lơ mơ, da khô nóng, sốt 39 độ C, mạch 126 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, chẩn đoán bị sốc nhiệt trên trẻ vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng. 

Khai thác bệnh sử ghi nhận khoảng 8h30 sáng 4/5, K. tập chạy quanh sân bóng đá trường học. Em chạy 10 vòng, mỗi vòng khoảng 400m trong vòng 30 phút.

chay 10 vong quanh san truong nam sinh ton thuong gan va than12

Bệnh nhi T.T.K đang được tiếp tục theo dõi sức khỏe. Ảnh: BVCC

Sau khi chạy xong, em than mệt, vã mồ hôi, bị chuột rút, nhức đầu và ngất xỉu. Nam sinh được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, SpO2 70%, huyết áp 80/50mmHg. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch chống sốc. Kết quả chụp CT scan não không ghi nhận tổn thương. Sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu, X-quang phổi, CT scan não. Kết quả ghi nhận em bị tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng. Bệnh nhân được truyền dịch, lau mát bằng nước và quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết…

Sau 6 giờ điều trị, K. tỉnh táo nhưng còn sốt 38 độ C, tiếp tục điều trị hỗ trợ gan thận và theo dõi huyết động.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), kết quả xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi và CT scan não ghi nhận trẻ có tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng.

Sau đó, bệnh nhi tiếp tục truyền dịch, lau mát bằng nước thường kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải và đường huyết. Trải qua 6 giờ điều trị, tình trạng trẻ cải thiện, có thể tự thở nhưng vẫn còn sốt 38 độ C và tiếp tục điều trị hỗ trợ gan, thận.

Qua trường hợp này, Tri thức trực tuyến dẫn lời bác sĩ Tiến lưu ý vào mùa nắng nóng, phụ huynh nên cho trẻ mặc vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt và đội nón rộng vành để tránh hấp thu nhiệt. Ngoài ra, trẻ nên uống nhiều nước, tránh chơi hoặc vận động mạnh dưới trời nắng nóng.

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Trong những ngày nắng nóng chúng ta cần lưu ý: Hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng. Nếu buộc phải ra ngoài, nên đội mũ rộng vành, đeo kính râm và bôi kem chống nắng, chọn loại quần áo làm từ chất liệu vải cotton nhạt màu và không bó sát; có thể lợi dụng các bóng mát tự nhiên để tránh nắng; nếu sử dụng điều hòa nên đặt ở nhiệt độ 27-28 độ C. Lưu ý, không để điều hòa quá thấp, chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài; bổ sung đầy đủ nước uống, trung bình mỗi ngày từ 1,5 đến 2 lít nước; để phòng say nắng không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng, tránh các hoạt động thể lực quá sức, luôn trang bị đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ, mũ, kính... Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi như bí đao, mướp, mướp đắng... mặc quần áo dệt bằng vải bông và tơ, lụa nhưng có màu nhạt; không nên làm việc ngoài trời cũng như hạn chế tổ chức lao động tại các vị trí sản xuất có nắng nóng trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 15 giờ; ngoài ra, thường xuyên tắm rửa cũng giúp cơ thể mát mẻ hơn trong những ngày hè nắng nóng. 

Thùy Dung (t/h)