Chợ thời trang lớn nhất Hà Nội ế ẩm chưa từng thấy

Vài tháng trở lại đây nhiều hộ kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) bị ế khách trầm trọng. Hàng ngày các tiểu thương ngủ xuyên trưa, thuê thợ tới làm nail, thậm chí có người đóng cửa đi chơi.

Chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được coi là thủ phủ về thời trang, vải vóc lớn nhất miền Bắc với gần 4.000 hộ kinh doanh. Trước đây, khu vực này luôn tấp nập người ra người vào giao dịch và vận chuyển hàng nhưng những ngày này không còn cảnh tượng đó.

Kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều cửa hàng ở chợ Ninh Hiệp nghỉ kinh doanh hoặc có mở nhưng được vài tiếng lại đóng. Lý do chính là quá vắng khách.

Không có nhiều việc trong ngày, các chủ hàng và người làm thuê thường ngồi bấm điện thoại, ngủ hoặc thuê thợ đến làm nail. “Trước đây, cửa hàng tôi rất đông, ngày nào cũng phải đi đơn cho khách mà còn không kịp. Giờ đây, tôi cũng như các chị em khác mỗi ngày chỉ còn cách ngồi ngóng khách. Các đơn hàng sỉ, lẻ đều giảm đi nhiều", chị Tâm (phải) tâm sự.

Mặc dù, đang là giờ các hộ kinh doanh hoạt động, vẫn có nhiều ki-ốt một bên mở, một bên đóng. "Ế khách, không bán được bao nhiêu nên chủ sạp đóng cửa để đi chơi rồi", một tiểu thương hàng xóm của sạp hàng trong ảnh nói với phóng viên.

“Chợ Ninh Hiệp chủ yếu là bán buôn, đa phần các chủ cửa hàng đều đã có khách quen, tuy nhiên đợt này khách mua buôn cũng ít dần. Bình thường cứ 1 tuần họ về lấy hàng một lần nhưng đợt này có khi cả tháng mới thấy mặt", anh Thái (chủ cửa hàng) nói.

Dù không phải giờ nghỉ trưa nhưng không khí ảm đạm, cảnh tiểu thương và người bán hàng nằm ngủ diễn ra khắp chợ.

"Mấy năm trước buôn bán thuận lợi, tôi đã thuê hẳn 2 ki-ốt với giá 30 triệu/tháng. Nhưng nay tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, tôi buộc phải sang nhượng cho người khác thuê lại với giá 4,5 triệu/tháng, chấp nhận bù lỗ. Bây giờ một ngày bán được 2-3 cái áo là còn may. Sau đại dịch Covid-19 chị em cả chợ cùng bị tình cảnh như này", người phụ nữ bên phải chia sẻ.

Theo nhiều tiểu thương, các mặt hàng ở chợ Ninh Hiệp đều có giá rẻ, ngoài bán buôn đa phần còn lại để bán lẻ cho công nhân, học sinh và sinh viên, tuy nhiên bây giờ nhiều người mất việc, giảm lương, khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn.

Anh Vũ cùng bạn gái đi từ quận Đống Đa đến chợ Ninh Hiệp (cách 25km) để lấy hàng. “Đồ ở đây đa dạng hơn so với các chợ khác như Phùng Khoang, Nhà Xanh, giá thành cũng rẻ hơn. Đợt này tôi thấy lạ vì chợ không còn đông, nhộn nhịp như trước”, anh nói.

“Vắng vẻ, ế ẩm là tình trạng chung của cả chợ. Bây giờ người ta kinh doanh online, nhiều chủ kho còn tự livestream bán hàng trực tiếp nên buôn bán kiểu truyền thống như thế này bị ảnh hưởng khá nhiều. Cửa hàng tôi chủ yếu là bán cho khách buôn, còn việc bán lẻ cả ngày may ra bán được 1-2 chiếc áo”, chị Oanh (chủ cửa hàng) nói.

Anh Vũ (tiểu thương sạp vải) cũng thừa nhận, đợt này doanh thu giảm 50% so với trước đây. "Buôn bán chán lắm, bán quần áo hay các mặt hàng khác có thể kết hợp với việc bán online nhưng riêng vải vóc khách hàng phải đến sờ tận tay. Đợt này tiêu thụ chậm hơn hẳn", anh tâm sự.

Vào khung giờ gần cuối ngày, xóm 6 và 7 của chợ Ninh Hiệp bắt đầu có khách, tuy nhiên chủ yếu là dân buôn đi tìm mẫu, nhập về bán online.

Anh Nguyễn