Tiếng rao tuổi xế chiều
9h sáng, bà Trần Thị Hường (84 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chậm rãi từng bước ra khỏi nhà, bắt đầu ngày làm việc. Đôi bàn tay chai sạn đầy vết đồi mồi, bà Hường run run rao: "Vé số đây, có ai mua giúp tôi với".
Hàng ngày, bà Hường đi bán vé số ở các con hẻm trên phường 16 (quận 8). Bà nhận bán chỉ vài chục vé, kiếm khoảng 50.000 đồng/ngày. Số tiền chỉ đủ bữa cơm nhưng đó là thứ bà luôn trân quý vì có thể phụ giúp được tiền trọ cho con gái đã 62 tuổi.
Đến nay, tuổi đã cao nhưng bà Hường thấy bản thân còn khỏe. Duy chỉ có đôi mắt phải đã không còn nhìn thấy, đôi tai chỉ còn nghe được 30%.
Nhiều lúc đi ngang quán cà phê, vài người đàn ông thấy tội nên muốn mua ủng hộ. Thế nhưng bà Hường không nghe thấy, buộc họ phải chạy theo níu lại.
Hơn 80 năm qua, bà Hường chưa có lúc nào thảnh thơi. Bà có 3 người con, nhưng đã mất hết 2, còn lại một người con gái là cô Vũ Thị Huệ (62 tuổi). Bà Hường giờ chẳng còn ai là người thân, hai mẹ con cứ thế sống tựa vào nhau trong căn trọ.
Từ sáng đến 12h trưa, người ta đều thấy dáng người khom khom, đội nón lá, mặc đồ bà ba của cụ bà chừng 30 kg. Nhiều người thấy bà làm việc vất vả, khuyên ở nhà dưỡng già nhưng bà Hường chỉ cười rồi lắc đầu, nói: "Tôi còn khỏe lắm. Cả đời tôi không để lại được gì cho con thì sẽ dành phần đời còn lại để giúp con".
Thích lao động tuổi già, đồng tiền kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng bà Hường bộc bạch lại mắc "bệnh hào sảng". Lắm lúc thấy thợ đến xóm trọ sửa chữa, bà Hường thấy thương rồi ra mời nước. Bà cũng có thói quen giữ lại vài tờ vé số mong trúng, cứ thấy ai có duyên thì bà đến tặng không lấy tiền.
Từng có... 3 căn nhà và hành trình 30 năm đi ở trọ
Người dân sống ở đây, không ai không biết đến bà Hường. Người ta thường gọi bà là "bà Sáu bún riêu" do trước đó là nghề chính của bà là bán bún riêu. Mãi sau này, bà truyền nghề cho con gái, rồi tiếp tục lấy xe số đi bán gần 20 năm nay.
Nồi bún riêu của cô Huệ (con gái bà Hường) cũng là nguồn sống chính của hai mẹ con. Cô Huệ cho hay, thấy mẹ vất vả nên khuyên ở nhà, nhưng bà Hường không đồng ý.
"Mỗi ngày tôi kiếm được 200.000 đồng, đủ lo tiền trọ, cơm nước. Nhớ nhất đêm giao thừa năm ngoái, trong nhà còn nửa ký gạo 2 mẹ con chia nhau ăn. Lắm lúc chúng tôi nhìn nhau ứa nước mắt, nhưng may mắn 2 mẹ con vẫn nương tựa vào nhau vượt qua", cô Huệ chia sẻ.
Bà Hường là người gốc Bắc, theo bố mẹ vào TPHCM từ khi bà mới 18 tháng tuổi.
"Lớn lên ở đất Sài Gòn, tôi còn nhớ như in thời đó bố có lợp cái chồi ở bờ bên kia của chợ Hòa Bình. Cả gia đình sinh sống ngày qua ngày, vất vả làm không biết bao nhiêu việc", bà Hường nhớ lại.
Từ nhỏ, bà đã có tính tự lập. Sinh ra trong gia đình đông chị em, nhưng ai nấy đều tự lo. Bà Hường lấy chồng năm 32 tuổi, có 3 người con chung. Không lâu sau, chồng bà bỏ theo vợ mới, để lại bà một mình cùng đàn con bữa đói, bữa no.
"Người ta có ý định quay lại nhưng tôi một mực từ chối. Vì bát nước đổ đi rồi không hốt lại được. Tôi thà một mình làm lụng nuôi con", bà Hường nói.
Đến khi chồng mất, vài người đàn ông cũng tìm tới ngỏ ý muốn phụ bà nuôi con nhưng bà Hường vẫn không chịu.
Mấy chục năm sống ở TPHCM, bà Hường trải qua đủ nghề. Đồng tiền kiếm được từ xe bánh bèo, bánh bột, rồi đến gánh bún riêu, bà tích cóp mua được 3 căn nhà.
"Thời đó tôi bán bún riêu một ngày tận 40.000 đồng, số tiền này thời đó là rất nhiều. Nhà lại rẻ, nên tôi từng may mắn mua được chỗ trú nắng, trú mưa cho các con", bà Hường nói.
Những tưởng cuộc sống đã êm đềm, biến cố gia đình khiến bà từ một người sở hữu 3 căn nhà, nay chịu cảnh ở thuê đã 30 năm. Người con trai đầu qua đời, người con gái thứ hai cũng không qua khỏi vì gặp đủ thứ bệnh quái ác.
Cám cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh", bà Hường lau nước mắt đứng trước di ảnh con. Bà còn nhớ lúc đám tang con, bà không còn tiền đến mức phải đi xin tiền để lo hậu sự.
Giờ đây, bà chỉ còn người con gái út là nơi nương tựa cuối cùng. Bà thầm trách, bản thân không để lại được tài sản mà còn bắt con sống kiếp ở thuê mấy chục năm.
"Tôi tâm niệm cứ còn sức là còn làm. Đến khi hết sức lực tôi mới dừng lại. Đó là thứ duy nhất tôi có thể làm cho con lúc này", bà Hường tin tưởng, nói.