Cuộc trả thù gây chấn động của thanh niên bị cảnh sát chặn xe

Sau tố cáo bị cảnh sát đánh đập trong 6 tiếng thẩm vấn, Dương Giai mang bom xăng và dao tấn công đồn cảnh sát, khiến 6 người thiệt mạng, gây chấn động Thượng Hải năm 2007.

Năm 2007, thành phố Thượng Hải phát động chiến dịch trấn áp đặc biệt với nạn trộm cắp xe đạp. Cảnh sát thiết lập chốt kiểm tra trên các tuyến đường trọng điểm để kiểm tra xe đạp qua lại và thẩm vấn, điều tra những chiếc xe khả nghi.

Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tháng 10/2007, Dương Giai, 27 tuổi, đi du lịch từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, thuê một chiếc xe đạp để dạo chơi với giá 50 nhân dân tệ.

20h30 ngày 5/10, khi đạp xe qua ngã tư ở đường Chỉ Tây Giang, Giai tình cờ gặp một chốt kiểm tra. Cảnh sát yêu cầu anh ta tấp vào lề đường, xuất trình chứng minh thư và giấy chứng nhận xe đạp.

Giai rất bức xúc vì bị chặn lại. Anh ta cho rằng đang di chuyển bình thường, trên đường có nhiều người như vậy, tại sao cảnh sát cứ muốn điều tra? Giai cảm thấy cảnh sát đang cố tình gây khó dễ nên cũng yêu cầu người làm nhiệm vụ xuất trình giấy tờ, nếu không sẽ từ chối tiếp nhận điều tra. Cuộc tranh cãi giữa Giai và cảnh sát kéo dài 40 phút, thu hút rất đông người qua đường.

21h10 hôm đó, vì cản trở điều tra, Giai bị đưa đến đồn cảnh sát đường Chỉ Tây Giang thuộc phòng cảnh sát khu Áp Bắc, bị thẩm vấn trong khoảng 6 tiếng đồng hồ. Sau khi điều tra rõ danh tính của Giai và xác nhận chiếc xe đạp được thuê, cảnh sát cho anh ta đi vào khoảng 2h30 sáng 6/10.

Trong khi bị thẩm vấn, Giai gọi đến số điện thoại khiếu nại của đội thanh tra Cục Công an thành phố, phản ánh việc bị cảnh sát đánh đập tại đồn. Sau khi thanh tra đến làm việc, Giai được cho biết không phát hiện cảnh sát có hành vi đánh đập.

Sau khi trở về Bắc Kinh, bất mãn với cách thẩm vấn của cảnh sát và kết quả xử lý của thanh tra, Giai nhiều lần khiếu nại với Bộ Công an, Cục Công an thành phố Thượng Hải và bộ phận giám sát của phòng cảnh sát khu Áp Bắc qua thư điện tử và điện thoại.

Giai cho rằng không thể bị cảnh sát thẩm vấn vô cớ và đánh đập. Anh ta yêu cầu khai trừ cán bộ có liên quan, đòi bồi thường 10.000 nhân dân tệ tổn thất tinh thần và chi phí điện thoại. Đội thanh tra của phòng cảnh sát Áp Bắc nhiều lần cử người đến Bắc Kinh hai lần để thương lượng với Giai, nhưng không có kết quả.

Ngày 26/6/2008, Giai từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, ở tại nhà khách cách phòng cảnh sát khu Áp Bắc chỉ 10 phút đi bộ. Lúc 9h ngày 1/7, Giai mang nhiều chai bia chứa xăng đến Tòa nhà Chính trị và Pháp luật Áp Bắc. Anh ta cũng mang theo bình xịt hơi cay, mặt nạ phòng độc, găng tay cao su và con dao nhọn dài hơn 10 cm.

Tòa nhà văn phòng cảnh sát bị phong tỏa sau vụ việc. Ảnh: Sina

Tòa nhà văn phòng cảnh sát bị phong tỏa sau vụ việc. Ảnh: Sina

Giai ném vài chai bia đang bùng cháy lên bồn hoa bên ngoài tòa nhà, cách lối vào chính khoảng 3 m, rồi lao vào bên trong nhân lúc các nhân viên bảo vệ vội chữa cháy.

Giai đột nhập sảnh tiếp tân ở tầng trệt, dùng dao chém vào đầu nhân viên bảo vệ đang nghe điện thoại. Sau đó, anh ta xông vào phòng trực ban của đội trị an ở phía đông sảnh, đâm chém bốn cảnh sát.

Giai tiếp tục theo cầu thang thoát hiểm ở phía bắc của tòa nhà để lên tầng 9, tấn công một cảnh sát đụng độ ở lối ra. Ở cầu thang từ tầng 9 đến tầng 11, anh ta liên tiếp đâm hai cảnh sát trên đường di chuyển.

Sau đó, Giai đi lên tầng 21. Tại lối vào thang máy ở phía bắc tòa nhà, anh ta đâm một cảnh sát khiến đối phương chạy vào phòng 2113. Giai bám theo, tiếp tục tấn công các cảnh sát tại đây. Khoảng bảy cảnh sát hợp sức khống chế Giai sau một hồi vật lộn.

Cuộc tấn công khiến sáu cảnh sát thiệt mạng và bốn người khác bị thương. Các nạn nhân tử vong đều là nam giới, tuổi từ 46 đến 56, bị đâm vào chỗ hiểm dẫn đến mất máu quá nhiều. Một cảnh sát bị thương trong vụ việc chính là nhân viên thanh tra đã đến đồn cảnh sát đường Chỉ Giang Tây để giải quyết khiếu nại của Giai vào ngày 5/10/2007.

Hành vi điên cuồng của Giai kéo dài trong 10 phút, tạo nên vụ tấn công cảnh sát nghiêm trọng nhất lịch sử Thượng Hải. Những người bị hại đều là nhân viên hậu cần hoặc hỗ trợ kỹ thuật, không được phép đeo súng. Sau vụ việc, sở cảnh sát bắt đầu trang bị dùi cui và các thiết bị an ninh chuyên dụng khác cho nhân viên bảo vệ.

Giải thích lý do ném "bom xăng", Giai cho biết bên cạnh mục đích đánh lạc hướng bảo vệ, anh ta còn có ý đồ khiến sự việc gây tác động lớn đến xã hội.

Giai nói về động cơ phạm tội: "Nếu phải gánh oan ức trên lưng cả đời, vậy tôi thà phạm pháp. Bất cứ chuyện gì các người cũng phải cho tôi một lời giải thích thỏa đáng, các người không cho được thì để tôi cho các người".

Dương Giai khi bị bắt. Ảnh: Xinhua

Dương Giai khi bị bắt. Ảnh: Xinhua

Dương Giai sinh năm 1980, quê ở tỉnh Hà Bắc, sống với mẹ sau khi bố mẹ ly dị năm 1994. Người quen nhận xét Giai hướng nội, kiệm lời, hành xử quyết đoán nhưng đôi khi không màng hậu quả.

Vài năm trước, khi đi du lịch ở tỉnh Sơn Tây, Giai bị cảnh sát ở ga xe lửa đưa về đồn chỉ vì đeo ba lô ngược lên trước ngực để phòng trộm, bị cho là "không xếp hàng tử tế". Giai bị đánh gãy răng cửa, mất hàng nghìn nhân dân tệ để làm lại răng. Sau đó, mẹ con Giai khiếu nại lên Bộ Công an, nhận được lời xin lỗi và 30.000 nhân dân tệ tiền bồi thường. Theo dì của Giai, vụ khiếu kiện kéo dài 8 năm gây ảnh hưởng lớn đến anh ta.

Sau khi Giai bị bắt, phía luật sư bào chữa đề nghị nhà chức trách giám định tâm thần cho Giai. Đại diện Trung tâm Giám định Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp tuyên bố Giai có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Vụ án ban đầu dự kiến xét xử vào ngày 29/7/2008, nhưng vì Thế vận hội Olympic Bắc Kinh sắp diễn ra và vụ án có tác động xã hội rất lớn, nhà chức trách quyết định hoãn phiên tòa.

Ngày 1/9/2008, tòa sơ thẩm kết án tử hình Giai vì tội Cố ý giết người. Ngày 20/10/2008, Tòa án cấp cao Thượng Hải bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án ban đầu.

Ở hai phiên tòa, Giai và luật sư bào chữa đều nhắc đến việc anh ta bị vài cảnh sát ấn xuống sàn đánh đập trong quá trình thẩm vấn tại đồn cảnh sát đường Chỉ Giang Tây. Tuy nhiên, hai cấp tòa án đều không nhận định tình tiết này.

Phía Giai không cung cấp được bằng chứng liên quan để xác thực vụ hành hung. Bodycam của cảnh sát tuần tra và video giám sát tại đồn đều không cho thấy cảnh sát đã đánh Giai.

Trong sổ ghi chép về cuộc thẩm vấn ngày hôm đó, Giai viết lại rõ những chi tiết từ khi bị cảnh sát dừng xe hỏi giấy tờ, nhưng không có ghi chép về việc bị cảnh sát đánh. Thư khiếu nại Giai gửi cho các cơ quan trước đó cũng không đề cập đến việc bị một số cảnh sát ấn xuống sàn đánh.

Ngày 21/11/2008, TAND Tối cao phê chuẩn phán quyết tử hình. Ngày 26/11 cùng năm, Giai bị xử tử bằng tiêm thuốc độc, sau khi được gặp mẹ lần cuối trong 20 phút.

Dương Giai ra tòa phúc thẩm. Ảnh: Xinhua

Dương Giai ra tòa phúc thẩm. Ảnh: Xinhua

Năm 2012, bộ phim Hoa ngữ When Night Falls lấy đề tài về vụ án Dương Giai ra mắt ở Hàn Quốc. Phim xoay quanh cảnh ngộ của mẹ Giai sau khi vụ án xảy ra, giành giải Đạo diễn xuất sắc và Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Locarno lần thứ 65 ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, phim bị cấm ở Trung Quốc với lý do xâm phạm chính phủ, tổn hại hình ảnh quốc gia.