Di nguyện trao truyền nghề làm gối tựa cung đình của Công Tôn Nữ Trí Huệ - người hậu duệ cuối cùng

"100 tuổi, bà vẫn tỉ mẫn, vẫn luôn nhiệt huyết vời nghề may gối, vẫn có thể xâu từng đường kim mũi chỉ..."

Cách đây vài năm, Đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin về Công Tôn Nữ Trí Huệ (hay còn gọi là Mệ Trí Huệ) - một trong số những nhân vật thuộc hoàng thất của triều đại phong kiến cuối cùng. Kể từ thời điểm ấy, nghề làm gối tựa thủ công đã được nhiều người biết tới và lan truyền rộng rãi. Tuy vậy, theo dòng chảy của thời gian, nghề làm gối dựa đang dần mai một. 

Công Tôn Nữ Trí Huệ với nghề làm gối dựa

Trước bối cảnh ấy, con gái của mệ là bà Bùi Thị Ngọc Điểm đã có bức tâm thư khá dài, chia sẻ về di nguyện trao truyền nghề của mệ Trí Huệ. 

Bà viết: "Tôi là Bùi Thị Ngọc Điểm, là con gái của Mẹ Công Tôn Nữ Trí Huệ - có lẽ mẹ tôi là cháu duy nhất gọi Vua Minh Mạng bằng Cố Nội đang còn trên cõi đời này mẹ năm nay đã tròn 100 tuổi rồi đấy. Sau sự ra đi của Ba tôi từ khi tôi còn rất bé, một mình mẹ tần tảo nuôi dạy 2 con. Vì cực khổ, vì nghèo khó, mẹ đâu nghĩ đến mình là con dòng cháu giống hoàng tộc. Thương hai con, việc gì mẹ cũng làm, từ gánh vải đi bán, thợ may, làm các loại bánh mứt... đều rất khéo tay và tỉ mẫn.

Cho đến tháng 4 năm Quý Mão (1963) Chính quyền Ngô Đình Diệm đã xảy ra vụ việc đàn áp Phật Giáo. Mẹ tôi cũng đứng lên cùng bao phật tử tham gia tranh đấu tại chùa Diệu Đế, Huế. Một buổi chiều nọ có người nhắn về, mẹ tôi đã bị bắt.

Trời ơi! Với một người con gái đang 13 tuổi và 1 em trai 9 tuổi biết xoay xở làm sao, tìm mẹ ở đâu? May mà chiều hôm sau mẹ tôi đã trở về và từ đó mẹ tôi phát nguyện ăn chay trường vì đạo Phật, đến nay mẹ đã ăn chay 58 năm ròng rồi.

Một thời gian sau, không biết mẹ xin việc từ bao giờ mà mẹ đã được nhận quyết định bổ nhiệm phụng trực lại Lăng vua Tự Đức còn gọi là Khiêm Lăng, và từ đó mẹ đã trở thành nhân viên của Bảo Tàng, mẹ khăn gói lên lăng ở, mang theo người con trai theo cùng, còn tôi ở lại với Bà của tôi là Cô ruột của mẹ vì tôi còn phải đi học. Bà tôi bị mù 2 mắt, nên hàng tháng mẹ tôi lãnh lương phải gởi về để nuôi 2 bà cháu tôi .

Phụng trực tại Lăng vua Tự Đức một thời gian, mẹ tôi lại thuyên chuyển về làm việc tại nhà Đức Từ Cung (vợ của Vua khải Định, mẹ của Bảo Đại) ở Đường Phan Đình Phùng.

Ở đây hàng ngày mẹ may vá, phục chế lại các đồ thờ bằng vải, thờ ở Đại Nội và các lăng, ngoài ra các dịp lễ, tết như Thanh Minh, cúng kỵ các vị Vua chúa trong Đại Nội và các Lăng..., mẹ tôi tham gia làm bánh; "Khô" thì bánh phục linh, bánh bài, bánh măng, mận, bánh khô, bánh nổ... "Ướt" thì có bánh chưng, bánh dầy, su sê, ít đen... ôi nhiều loại bánh lắm ko nhớ hết. 

Thời gian dài sau đó Giải phóng đất nước không thể hầu hạ Đức Từ Cung đông được, mẹ tôi lại chuyển lên lăng vua Minh Mạng, hồi đó trước Giải phóng là vùng mất an ninh giao tranh ác liệt giữa hai bên, sau Giải phóng rất hoang vu, vậy mà bà xung phong lên đó là để phục vụ Ông Cố của mình, mỗi việc lễ tết nào cũng Đức Từ cũng điều mẹ tôi về làm bánh, mứt... sau này thấy bất tiện quá, xin hẳn bà về dưới này luôn, từ đó, thời gian khá dài, trong Đại nội mấy đồ thờ bằng vải đã xuống cấp hết, trong đó có gối trái dựa, vậy là mẹ tôi may phục chế lại theo gợi ý của Đức Từ Cung.

Ngày lại qua ngày, giải phóng lên, tôi lấy chồng, mẹ lại theo em trai vào Sài Gòn, em trai của tôi đi làm thuê, bốc vác tại nhà máy đường, (nghe kể lại) khi bà ngồi trên xe lam từ Dầu Giây lên Sài Gòn, đường xấu, chằng ổ gà té ngồi xuống sàn xe, ko có ai bên cạnh, cậu em thì dại, vả lại ko có tiền để đi Bệnh viện, chịu đau vậy, đến bây giờ cái xương sống lệch qua một bên và bà gần như bị gù từ hồi đó đến giờ. Từ năm 1992, dì tôi mất, nhà ko có ai Bà và em trai tôi lại trở về Huế tá túc tại nhà ngoại là làng Hương Toàn đến bây giờ.

Ở Hương Cần, trở lại với công việc ruộng nương nhưng làm cái nghề bán mặt cho đất bán lưng cho trời không đủ ăn. Gia đình tôi phụ thuộc vào chiếc bàn may lạch cạch. Bà may áo dài, một nghề mà bà thành thạo khi còn phục vụ trong cung.

Thời gian này không còn ai nhớ đến gối trái dựa nữa, mẹ tôi chỉ tận dụng những mảnh vải còn dư ra từ việc may áo dài để may gối cho đỡ nhớ nghề. Có những ngày bà muốn may một chiếc gối hoàn chỉnh có vải lụa bọc bên ngoài và thêu hoa văn lên đó. Nhưng chả lẽ trong lúc gia đình đang nghèo khó lại bỏ tiền ra mua vải, bông về may gối trái dựa ra để… ngắm.

Từ đó đến nay, có 2 lần việc may gối được khôi phục. Lần thứ nhất là đợt phục dựng các hiện vật, tư liệu lịch sử trong Đại Nội của Nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Lời đề nghị như cơn mưa giữa mùa hạ, mẹ tôi lại quay trở lại với công việc may gối, bà cũng có thêm người học trò đầu tiên đó là Em dâu của tôi - Cô Liền. Nhưng sau đợt hàng đó, công việc may gối lại rơi vào quên lãng, mẹ lại quay trở lại với công việc may áo dài.

Đến năm 2018, một đơn vị may thêu cổ phục tại Hà Nội đã vào tận nơi mời mẹ tôi ra thăm và tham dự toạ đàm ra mắt công ty đó. Nhờ buổi tọa đàm, có nhiều đài báo, quay phim, phỏng vấn nhiều người đã biết mẹ tôi, có dịp thì họ vào ghé thăm, đặt một vài cái làm kỷ niệm. Sau những lần mẹ lên tivi, báo đài, gối dựa lại được đặt hàng một đôi cái nhưng rồi sau những bài đăng, phóng sự đó một thời gian thì không ai đặt nữa cả, nguồn đầu ra thật sự không ổn định.

Đến hiện tại thì trung bình mỗi tháng gia đình bán được 2 chiếc gối, cả 4 người trong gia đình cùng làm là mẹ tôi, em dâu, cháu gái và cháu dâu cùng làm; trong đó mẹ tôi đảm nhận chính, hoàn thiện những phần đòi hỏi sự chi tiết, tỉ mỉ nhất, còn lại các thành viên khác trong gia đình phụ giúp làm trong những lúc xong công việc chính là làm đồng áng.

DI NGUYỆN CỦA MẸ TÔI

Năm nay mẹ tôi đã 100 tuổi, thật hạnh phúc khi mẹ còn sống vui vẻ bên chúng tôi. 100 tuổi, bà vẫn tỉ mẫn, vẫn luôn nhiệt huyết vời nghề may gối, vẫn có thể xâu từng đường kim mũi chỉ. Đã 2 lần mẹ đối diện cửa tử khi bị tai nạn, bị bệnh tật nhưng vẫn vượt qua. Cách đây mấy hôm có Đài truyền hình về quay, họ hỏi thử bà không mang kính xem có xâu chỉ vào lỗ kim được không, thật kỳ diệu bà vẫn có thể làm được. Âu cũng là ông trời đã cho mẹ tôi cái tuổi, cái số mệnh gắn bó với gối trái dựa này như vậy.

Không biết ngày nào đó mẹ sẽ rời xa chúng tôi, có lẽ sẽ không còn nhiều thời gian, tôi nghĩ mẹ tôi còn là nghề làm gối còn, mẹ mất thì nghề may gối sẽ mất đi. Do đó là một thành viên của hoàng tộc Nguyễn, người đã gắn bó nửa đời người với Gối cung đình, cái nghề gối trái dựa khi về quê mẹ tôi đã ấp ủ trao truyền, bà có rất nhiều ước muốn, trong đó có dạy nghề làm gối trái dựa này. Miễn phí bà cũng dạy, cứ sợ lúc mình già nhắm mắt không ai trao truyền lại nghề này. 

Do vậy di nguyện của mẹ tôi và cũng là của gia đình nếu có ai muốn học, có đơn vị nào muốn tìm hiểu về gối cung đình để gìn giữ và phát huy nghề, cũng như ứng dụng gối vào nhiều mặt của cuộc sống hơn để có thể lan tỏa trên khắp cả nước, gia đình chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ!

Bùi Thị Ngọc Điểm".

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ từng tâm sự rằng, ngày xưa, gối trái dựa thường được vua, quan sử dụng để gối đầu, tựa lưng hay tì tay lúc ngồi nghỉ ngơi, đọc sách. Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả mà mọi người mới quen gọi với cái tên là gối cung đình.

Việc may gối để thẳng mép, không lỗi chỉ thì phải có mẹo, người may phải nhồi bông cho thật khéo để gối luôn giữ được độ em, căng phồng đều sau nhiều lần giặt. Một người thợ lành nghề để hoàn thành một chiếc gối dựa nếu chăm chỉ cũng phải mất 5 ngày công”, cụ Huệ cho biết. 

Gối xếp được người Việt xưa sử dụng khá nhiều. Nhưng theo dòng chảy không ngừng của thời gian, văn hóa ấy cũng ngày càng mai một, thay thế vào đó là những sản phẩm công nghệ, hiện đại. Tuy nhiên, nét truyền thống, tinh hoa trong từng đường kim mũi chỉ của gối dựa xưa sẽ mãi là chứng vật của một thời lịch sử, mà những thế hệ sau này cần gìn giữ, bảo tồn.