Dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ cho thấy hiện tượng "La Nada" - giai đoạn trung gian giữa El Nino (ấm áp) và La Nina (lạnh hơn) - có thể sớm nhường chỗ cho một La Nina yếu. Các nhà khoa học ước tính khả năng này đạt khoảng 56% vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.2025.
La Nina hình thành khi nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương hạ thấp hơn mức trung bình. Hiện nay, dữ liệu đã chỉ ra một vùng nước mát nhẹ, làm tăng khả năng La Nina xuất hiện. Dù được dự báo là yếu và có thể chỉ kéo dài đến mùa xuân, sự hiện diện của nó có thể ảnh hưởng lớn đến thời tiết mùa đông.
La Nina thường mang đến một mùa đông lạnh hơn và ẩm ướt hơn cho khu vực phía bắc nước Mỹ, bao gồm Inland Northwest. Nếu La Nina yếu được tuyên bố, dự kiến sẽ có các đợt gió lạnh mạnh hơn và tuyết rơi dày đặc hơn vào đầu năm 2025.
Dù vậy, với cường độ yếu, La Nina lần này ít có khả năng mang lại những đợt tuyết vượt mức trung bình. Tuy nhiên, các khu vực núi cao và phía bắc vẫn có thể chứng kiến lượng tuyết tăng đáng kể.
Nhìn lại mùa đông trước, tuyết bắt đầu tăng vào tháng 1, khiến tổng lượng tuyết của mùa đông 2023-2024 đạt 130cm tại Coeur d’Alene. Với một La Nina yếu, kịch bản tương tự có thể tái diễn.
Khi năm mới đến, mô hình thời tiết dài hạn dự báo luồng gió lạnh từ phía bắc sẽ bắt đầu chiếm ưu thế tại Inland Northwest. Điều này đồng nghĩa với việc lượng mưa trong khu vực sẽ dễ dàng chuyển thành tuyết hơn. Sau một khởi đầu chậm chạp, mùa đông 2024-2025 có thể "tăng tốc" trong những tuần tới.
Hiện tượng La Nina không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương mà còn tác động rõ rệt đến thời tiết trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khi La Nina xuất hiện, các biến đổi trong nhiệt độ bề mặt nước biển ở khu vực Thái Bình Dương thường làm thay đổi hoàn lưu khí quyển, gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến khí hậu toàn cầu. Với Việt Nam, La Nina mang đến một mùa đông đặc trưng với nhiệt độ thấp hơn bình thường và lượng mưa gia tăng.
La Nina hình thành khi nhiệt độ bề mặt nước biển khu vực trung tâm và phía đông Thái Bình Dương giảm xuống thấp hơn mức trung bình. Điều này khiến không khí lạnh từ Siberia và lục địa châu Á tăng cường xuống phía nam. Kết quả là các đợt không khí lạnh tràn về Việt Nam mạnh hơn và thường xuyên hơn, làm cho nhiệt độ giảm đáng kể, đặc biệt ở khu vực phía Bắc.
Trong những năm có La Nina, mùa đông ở Việt Nam thường kéo dài hơn với những đợt rét đậm rét hại xuất hiện nhiều hơn.